Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, vụ cháy không lớn, kèm tiếng nổ nhỏ. Lực lượng an ninh đã dùng bình bột chữa cháy, nhanh chóng dập tắt đám cháy.
"Vì sử dụng bình bột chữa cháy nên bụi bột tạo khói ở khu vực được dập lửa. Đội cứu hỏa khẩn nguy Trung tâm điều hành sân bay đã xử lý các bước tiếp theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao và đến 0h55 sáng 31/7, khu vực cháy đã được dọn dẹp sạch sẽ. Sự việc không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác tại nhà ga", đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết.
Đồng thời vị này cũng cho biết thêm pin dự phòng bị cháy là loại tự chế.
Pin sạc dự phòng là thiết bị dùng để lưu trữ năng lượng và dùng để sạc cho các thiết bị khác khi cần. Việc tích trữ năng lượng vào các cell pin về cơ bản luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Nếu quá trình sử dụng pin sạc dự phòng không đúng cách sẽ khiến thiết bị phát nổ bất cứ lúc nào.
Hiện tất cả các hãng hàng không cấm hành khách đặt pin sạc dự phòng trong hành lý ký gửi và cho phép đặt pin sạc dự phòng vào hành lý xách tay để mang lên máy bay.
Tuy nhiên, tùy theo từng hãng hàng không, pin sạc dự phòng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới được phép mang lên máy bay, chẳng hạn dung lượng pin, tình trạng pin, thương hiệu pin hay số lượng pin sạc được mang lên máy bay…
Theo quy định của Cục hàng không Dân dụng Việt Nam, hành khách chỉ được phép mang lên máy bay tối đa 10 viên pin sạc dự phòng dung lượng đến 20.000mAh; trong khi đó pin có dung lượng từ 20.000mAh đến 32.000mAh chỉ được phép mang tối đa 2 cục. Pin sạc dự phòng có dung lượng lớn hơn 32.000mAh không được phép mang lên máy bay.
Cục hàng không Dân dụng cũng yêu cầu tình trạng pin sạc dự phòng phải nguyên vẹn, không bị hư hỏng, móp méo hay rò rỉ.
Do vậy, người dùng cần chủ động liên hệ với các đại lý bán vé hoặc dịch vụ khách hàng của hãng hàng không để tìm hiểu kỹ về quy định mang pin sạc dự phòng lên máy bay, tránh trường hợp bị cấm mang buộc người dùng phải vứt bỏ pin sạc dự phòng tại sân bay.