Tròn một thế kỷ trước Lăng Lenin lần đầu mở cửa cho công chúng thăm viếng

Trong nhiều thập kỷ, Lăng Lenin, tổ hợp trung tâm trên Quảng trường Đỏ, là một trong những điểm thu hút chính của thủ đô Nga. Mỗi năm có tới 2,5 triệu người thăm viếng Lăng.
Sputnik
Lăng V.I. Lenin là tượng đài-lăng mộ dưới chân tường thành Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva, trong phòng tang lễ có quan tài kính với thi hài người sáng lập Nhà nước Liên Xô ở Nga, Vladimir Ulyanov-Lenin (1870-1924).
Sau khi Lenin từ trần vào ngày 21 tháng 1 năm 1924, Giáo sư Alexei Abrikosov đã tiến hành ướp thi hài để bảo quản chờ an táng.
Ngày 26 tháng 1 năm 1924, Đại hội II Hội đồng Liên bang Cộng hoà XHCN Xô-viết đã thông qua nghị quyết “Về công trình xây dựng lăng mộ để lưu giữ di hài V.I.Lenin".
Ngày 27 tháng 1 năm 1924, đã khai trương phiên bản Lăng tạm thời đầu tiên bằng gỗ do kiến ​​trúc sư Alexei Shchusev thiết kế, bố trí gần toà tháp Thượng viện của Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ. Đó là một khối lập phương có đỉnh hình kim tự tháp, trang trí bằng những tấm ván bào, có hai phần mở ở bên phải và bên trái của khối để ra vào. Phòng tang lễ nằm dưới lòng đất sâu 3 mét.
Lăng được chiếu sáng bằng ánh điện, giữa Phòng tang lễ có bệ cao phủ nhung đỏ, bên trên đặt quan tài với thi hài Lenin. Bên ngoài tòa nhà sơn màu ghi thẫm và có dòng chữ “Lenin” màu đen phía trên.
Lăng Lenin tại Quảng trường đỏ, Moskva
Ngày 30 tháng 1 năm 1924, lối vào Lăng tạm thời đóng lại do tập trung xây dựng gấp rút liên quan đến tổ chức lễ tang. Đồng thời, có vấn đề nghiêm trọng là làm thế nào bảo quản thi hài Lenin trong thời hạn lâu dài.
Tháng 2 năm 1924, công việc ướp thi hài được giao cho Giáo sư Vladimir Vorobyov và Giáo sư Boris Zbarsky, người vào năm 1937 (sau khi Vorobyov qua đời) tiếp tục theo dõi tình trạng thi hài Lenin.
Ngày 1 tháng 8 năm 1924, Lăng gỗ đã mở cửa cho mọi người thăm viếng. Kích thước Lăng đã tăng thêm. Lá cờ biểu tượng của Công xã Paris, từ Pháp mang sang vào tháng 7, cũng được đưa vào Lăng.
Tháng 1 năm 1925, Đoàn Chủ tịch BCH TƯ đảng Cộng sản Liên Xô công bố mở cuộc thi tuyển chọn mẫu thiết kế Lăng đá đẹp nhất. Tuy nhiên, không một dự án nào trong số 117 dự án được Uỷ ban phê duyệt; có quyết định giao lại nhiệm vụ vinh dự này cho ông Alexei Shchusev. Kiến ​​trúc sư nổi tiếng đã đề xuất dự án Lăng bằng đá granit và được phê chuẩn.
Khối kim tự tháp của Lăng bao gồm năm gờ bậc với chiều cao khác nhau. Chiều dài của Lăng dọc theo mặt tiền là 24 mét, bề cao 12 mét. Các bức tường gạch đỏ được ốp đá cẩm thạch, đá porphyr, đá granit và labradorite đánh bóng. Dọc theo chu vi của Phòng tang lễ có dải đá labradorite (đá xà cừ hay còn gọi là Hắc Nguyệt Quang) rộng màu đen, trên đó dựng các trụ cột bằng đá magma (đá hỏa sinh hay hỏa thành nham) màu đỏ thẫm.
Kỷ niệm 55 năm ngày mất của nhà hoạt động chính trị nhà nước Nga và Liên Xô Vladimir Ilich Lênin (1870-1924). Đây là dòng người xếp hàng vào viếng Lăng trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moskva.
Phía trên lối vào Lăng, trên tảng đá nguyên khối labradorite màu đen, có dòng chữ “Lenin” cỡ lớn bằng đá thạch anh đỏ.
Sự kết hợp hài hoà giữa đá granit màu đỏ sẫm và labradorite đen đã mang lại cho định dạng kiến ​​trúc của Lăng sự rõ ràng và nghiêm cẩn. Tháng 10 năm 1930, việc xây dựng Lăng đã hoàn thành. Năm 1931, kiến thiết xong khán đài (khu trung tâm – vào năm 1945) và các ngôi mộ ở tường thành Điện Kremlin.
Năm 1941, khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945), thi hài Lenin được sơ tán về Tyumen. Giáo sư Zbarsky và ba trợ lý được cử đến đó để chăm sóc và bảo quản thi hài.
Năm 1945, thi hài Lenin được đưa về Lăng. Ngày 5 tháng 9, Lăng Lenin mở cửa đón tiếp công chúng và trong cùng ngày đã có hơn 10 nghìn người đến viếng thăm Lenin.
Sau khi Iosif Stalin từ trần năm 1953, thi hài của ông được vào trong Lăng, phía trên xuất hiện dòng chữ “Lenin-Stalin”. Ngày 30 tháng 10 năm 1961, theo nghị quyết của Đại hội XXII đảng Cộng sản Liên Xô, thi hài Stalin được đưa ra mai táng gần tường thành Điện Kremlin.
Có bao nhiêu người Nga không biết Lenin là ai?
Đầu những năm 1970, Lăng Lenin được trùng tu quy mô lớn. Đã lắp đặt những hệ thống độc đáo để duy trì diện mạo Lenin như sinh thời: quạt thông gió chạy êm, máy đo nhiệt độ cơ thể không tiếp xúc, hệ thống tản nhiệt, quan tài được lắp bằng kính cường lực siêu cấp.
Năm 1990, Lăng Lenin và nghĩa trang danh dự là một phần trong quần thể Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin đã được đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, còn từ năm 1995 Lăng nhận quy chế là chủ thể di sản lịch sử và văn hóa tầm cỡ Liên bang.

Một trong những điểm thu hút chính của Matxcơva

Trong nhiều thập kỷ, Lăng Lenin là một trong những điểm thu hút chính của thủ đô. Có tới 2,5 triệu người đến viếng Lăng hàng năm. Vào những ngày lễ lớn, Lăng đóng vai trò là khán đài Chính phủ long trọng.
Ngoài ra, kể từ thời điểm xây dựng, tại Lăng duy trì các công việc sinh-hóa theo kế hoạch, thực hiện định kỳ thường là hai năm một lần để bảo quản thi hài Lenin.
Hầu như hàng năm, đặc biệt là vào những ngày tháng đáng nhớ gắn liền với cuộc đời vị lãnh tụ cách mạng vô sản, trong cộng đồng xã hội Nga lại nổ ra cuộc tranh luận về việc mai táng thi hài Lenin, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thông qua quyết định cuối cùng về vấn đề này. Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát của Quỹ Ý kiến ​​Công chúng, hơn một nửa người Nga (61%) cho rằng nên chôn cất Lenin, trong khi có 23% người phản đối.
Đặt hoa tại Lăng Lênin và mộ I.V. Stalin
Vấn đề mai táng Vladimir Lenin hiện không nằm trong chương trình nghị sự quốc gia, ông Dmitry Peskov Thư ký báo chí của Tổng thống Nga thông báo. Theo lời ông Peskov, "đây là đề tài không có tính thời sự cấp thiết". Như trước đây nhà quản lý công việc của Tổng thống Liên bang Nga đã lưu ý, ban lãnh đạo đất nước không có kế hoạch chính thức nào về việc di dời thi hài Lenin hoặc những nhân vật đã được chôn cất bên tường thành Điện Kremlin. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai gần cũng sẽ không diễn ra chuyện di dời, bởi chưa phải lúc dành cho việc này.
Thảo luận