Antony Blinken bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày vào ngày 25 tháng 7, trong đó ông đã đến thăm Việt Nam, Lào, Philippines, Singapore cũng như Nhật Bản và Mông Cổ.
“Nếu không tính đến việc tái khẳng định cam kết của chính quyền hiện tại trong việc ngăn chặn 'ảnh hưởng' của Trung Quốc và Nga như một phần trong chiến lược đã nêu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chuyến thăm của Blinken hầu như không mang lại kết quả nào và dường như đã không đạt được mục tiêu đề ra... Các quốc gia khu vực rõ ràng đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng với Hoa Kỳ trước kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”, - Wong nói.
Các nước Đông Nam Á không muốn công khai tuyên bố lập trường của mình đối với Mỹ do không chắc chắn về việc hiện nay ai là nhân vật chính tại Nhà Trắng, chuyên gia nêu ra nhận định của mình.
Lập trường thận trọng
“Các nước trong khu vực đang có lập trường thận trọng đối với Hoa Kỳ, đặc biệt kể từ khi cuộc bầu cử sắp tới phủ bóng đen lên chính sách đối ngoại của Mỹ”, - Nelson Wong bổ sung.
Theo chuyên gia, điều này phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng ở các quốc gia có lịch sử dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ và hiện đang xem xét lại các ưu tiên đồng minh của mình trong bối cảnh môi trường chính trị đang thay đổi. Wong cũng cho rằng động cơ của Blinken có thể vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động ngoại giao.
“Có thể cho rằng ông ấy đang sử dụng chuyến đi này để củng cố hình ảnh của mình với tư cách là một chiến lược gia toàn cầu", - chuyên gia nói và giải thích bằng cách này, Blinken đang đặt nền móng cho sự nghiệp chính trị trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề nội bộ trong chính quyền Hoa Kỳ.
Wong lưu ý chuyến thăm của Blinken tới Đông Nam Á, trong khi các nước ASEAN đang đàm phán với đối thủ Trung Quốc, đã nhấn mạnh việc tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, nơi các thành viên ngày càng coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình.
“Điều này thể hiện tình hữu nghị tiếp tục giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như khả năng của Trung Quốc với tư cách là đối tác lớn nhất của ASEAN trong việc giải quyết mọi vấn đề, thậm chí cả những bất đồng thông qua thảo luận thân thiện và đàm phán mà không có sự can thiệp từ bên ngoài”, - ông nhấn mạnh.
Sự tương phản giữa chuyến công du của Blinken và các cuộc thảo luận đang diễn ra ở ASEAN báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính trị khu vực, chuyên gia tuyên bố, và trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang cân nhắc các lựa chọn của mình, họ có thể nghiêng về việc tăng cường các mối quan hệ ưu tiên sự ổn định và hợp tác kinh tế hơn là lợi ích địa chính trị.
Trong khi mục tiêu chuyến thăm của Blinken là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á, nhiệm vụ này dường như chưa hoàn thành, còn các nước trong khu vực ngày càng tìm kiếm quan hệ đối tác và hỗ trợ từ Trung Quốc.