Ông Scholz mới có chuyến thăm chính thức tới Moldova vào thứ Tư trong bối cảnh ở nước này sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và trưng cầu dân ý về khả năng gia nhập EU dự kiến vào ngày 20 tháng 10. Chuyến thăm gần đây nhất của Thủ tướng Đức tới Chisinau diễn ra cách đây 12 năm, khi người đứng đầu chính quyền Đức hồi đó là bà Angela Merkel.
"Chúng tôi ủng hộ Moldova trên con đường gia nhập Liên minh châu Âu và sẽ tiếp tục giúp đỡ nước này trong quá trình đó. Quá trình hội nhập châu Âu liên quan đến việc thực hiện tất cả các cam kết, có những điều kiện phải được đáp ứng và nếu mọi thứ được hoàn thành nhanh chóng thì việc gia nhập sẽ nhanh hơn, những quy tắc này được áp dụng giống nhau đối với tất cả các quốc gia muốn gia nhập Liên minh châu Âu”, - ông Scholz nói trong cuộc họp báo ngắn sau cuộc gặp với Tổng thống nước này Maia Sandu.
Thủ tướng Đức nói với các phóng viên rằng Berlin và Chisinau đang chuẩn bị ký một hiệp định trong lĩnh vực di cư nhưng không tiết lộ chi tiết, đồng thời lưu ý rằng dự thảo tài liệu đang trong giai đoạn hoàn tất và các cơ quan liên quan của cả hai nước đang hoàn thiện những chi tiết cuối cùng.
Theo ông Scholz, vào thời điểm hiện tại “tất cả vấn đề thực tiễn và chiến lược đã được giải quyết thành công và hiệp định này sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho người dân của cả hai nước”.
Trước đó, bà Sandu bày tỏ lòng biết ơn tới Thủ tướng Đức vì sự ủng hộ của ông dành cho Moldova.
Vào tháng 6 năm 2022, EU đã trao quy chế quốc gia ứng cử viên EU cho Ukraina và Moldova, đặt ra một số điều kiện nghiêm ngặt để bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập. EU đã nhiều lần lưu ý rằng quyết định này phần lớn mang tính biểu tượng nhằm hỗ trợ Kiev và Chisinau trong cuộc đối đầu với Moskva.
Tuy nhiên, tư cách quốc gia ứng cử viên và việc bắt đầu quá trình đàm phán không đảm bảo việc những nước này tự động sẽ được kết nạp vào EU, các bước này cũng không đảm bảo Brussels nhất thiết phải thực hiện bất kỳ hành động nào. Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên của EU từ năm 1999, Bắc Macedonia từ năm 2005, Montenegro từ năm 2010 và Serbia từ năm 2012. Croatia là quốc gia mới nhất gia nhập EU vào năm 2013, quá trình gia nhập của nước này kéo dài 10 năm.