Kế hoạch của Biden
Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách không gian Vipin Narang cho biết: “Chúng ta hiện đang ở trong một thời đại hạt nhân mới”.
Sự tạm dừng trong cạnh tranh hạt nhân sắp kết thúc và Mỹ cần chuẩn bị cho sự leo thang.
Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược New START, còn gọi là START-3 được tổng thống Nga và Mỹ ký năm 2010 vẫn còn hiệu lực. Nga đã đình chỉ việc tham gia vào tháng 2 năm 2023, nhưng không rút khỏi hiệp ước này.
Trước khi nối lại quá trình đàm phán, Matxcơva muốn hiểu, ngoài Mỹ, các cường quốc hạt nhân như Pháp và Anh đang đưa ra yêu sách gì, và tổng kho vũ khí của NATO sẽ được tính đến như thế nào. Về mặt chính thức, Washington hy vọng Hiệp ước START-3 sẽ được gia hạn, nhưng họ đang chuẩn bị tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.
Lầu Năm Góc giải thích: “Nếu trước khi Hiệp ước New START hết hạn vào tháng 2 năm 2026, Tổng thống đưa ra quyết định tăng cường lực lượng hạt nhân được triển khai, chúng tôi phải nhanh chóng thực hiện quyết định này”.
Và họ bắt đầu thực hiện các bước cần thiết.
Theo truyền thông Mỹ, hồi tháng 3, Tổng thống Biden đã phê duyệt một kế hoạch chiến lược hạt nhân tuyệt mật cho Mỹ, trong đó lần đầu tiên định hướng lại chiến lược răn đe của Mỹ để tập trung đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Hướng dẫn này được bảo mật cao đến mức không có bản điện tử, chỉ có một số ít bản cứng được phân phát cho một số quan chức an ninh quốc gia cũng như các chỉ huy Lầu Năm Góc. Chiến lược mới này lần đầu tiên nhằm chuẩn bị cho Mỹ đối phó với những thách thức hạt nhân mà có thể các đối thủ của Mỹ sẽ phối hợp thực hiện.
Mối đe dọa từ Washington
Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nhấn mạnh: “Kể từ Chiến tranh Lạnh, chúng tôi chưa từng thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như trong quan hệ quốc tế hiện nay”.
Năm 1986, kho vũ khí hạt nhân của thế giới đã vượt quá 70 nghìn đầu đạn. Theo SIPRI, đầu năm nay, trên khắp thế giới có hơn 12 nghìn đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả các đầu đạn sắp được tháo dỡ. Nga có 5.580 đầu đạn, Mỹ có 5.044 đầu đạn.
Trung Quốc có 500 đầu đạn. Hai đồng minh của Mỹ cũng có tổng số đầu đạn lớn như vậy: Anh - 225 đầu đạn, Pháp - 290 đầu đạn. Tuy nhiên, Nhà Trắng không hài lòng với điều đó. Theo chiến lược cập nhật, lần đầu tiên ưu tiên trong cuộc đối đầu được dành cho Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho rằng, đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ triển khai ít nhất 1.000 đầu đạn và đến năm 2035 - 1.500 đầu đạn.
Trung Quốc rất quan ngại trước thông tin Mỹ sửa đổi kế hoạch hạt nhân tuyệt mật.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Chính Mỹ là nguồn gốc chính của các mối đe dọa hạt nhân và rủi ro chiến lược trên thế giới”. Bà Mao Ninh nói: “Mỹ đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa hạt nhân” và sử dụng nó như một cái cớ thuận tiện để Mỹ trốn tránh nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Mọi thứ đều mới
Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân. Có vẻ Joe Biden cũng đang đi theo hướng này, tạm dừng một số dự án đã được phê duyệt dưới thời chính quyền Trump.
Ví dụ, vào năm 2018, họ đã đề xuất dự án tên lửa hành trình SLCM-N được phóng đi từ nền tảng phóng là tàu ngầm mang tên lửa hành trình. Dưới thời Biden, chương trình này được coi là tốn kém và “có hại”, thay vào đó Mỹ tập trung vào việc hiện đại hóa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nâng cấp các phương tiện mang tên lửa như tàu ngầm và máy bay ném bom.
Tuy nhiên, năm ngoái, Quốc hội đã phê duyệt tài trợ cho dự án này, ước tính ngân sách cho giai đoạn 2023-2032 là 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Lầu Năm Góc không phải là tạo ra SLCM-N từ con số 0 mà điều chỉnh các loại vũ khí hiện có hoặc đang phát triển. Ví dụ như tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-181 LRSO hoặc phiên bản mới nhất của Tomahawk. Vào tháng 7, Hải quân Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với công ty Systems Planning and Analysis (SPA) trị giá 24,9 triệu USD.
Hoa Kỳ hiện không sử dụng tên lửa hành trình hạt nhân trong hải quân của mình. Trước đây, chúng được bố trí trên các tàu ngầm tấn công. Vào cuối Chiến tranh Lạnh, George Bush Sr. đã loại bỏ chúng, còn vào năm 2013, Obama cuối cùng xóa bỏ chương trình này.
Theo Bộ Quốc phòng, SLCM-N có thể đóng vai trò xung kích, hỗ trợ trong cuộc xung đột toàn cầu. Ví dụ, chúng sẽ giải phóng các tên lửa đạn đạo để tấn công số lượng lớn hơn các mục tiêu chiến lược. Chúng cũng sẽ làm giảm khả năng đối phương nhầm lẫn một cuộc tấn công hạn chế với một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện.
Tên lửa hành trình này có thể là vũ khí hạt nhân mới đầu tiên của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. SLCM-N có thể được đưa vào hoạt động vào năm 2034.
Như vậy, bất chấp việc gia hạn Hiệp ước New START, Washington dự định đi theo con đường nối lại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã kết thúc hơn 30 năm trước. Tuy nhiên, bây giờ số quốc gia tham gia cuộc chạy đua hạt nhân đã tăng lên và do đó cái giá phải trả sẽ cao hơn.