Ký ức ngày 2/9/1945 của cựu tù Hỏa Lò, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà

Dù ở tuổi 97 xưa nay hiếm, nhưng ký ức về ngày Thu lịch sử 2/9/1945 trên quảng trường Ba Đình vẫn chưa phai nhòa trong tâm trí Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ thanh niên cứu quốc – Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, một nhân chứng sống của lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Sputnik
Trong không khí kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Sputnik vinh dự cùng ông chia sẻ những kỷ niệm quý báu từ thời khắc đất nước giành lại độc lập cũng như những cảm xúc mãnh liệt của ông trong tháng ngày lịch sử đó.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ thanh niên cứu quốc – Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu

Từ người thầy trẻ tuổi đến chiến sĩ cách mạng

Ông Nguyễn Tiến Hà, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông còn có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, đã từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (Là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).
Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, ngay từ khi còn là học sinh, Nguyễn Tiến Hà đã sớm nuôi dưỡng lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Năm 1944, khi mới 16 tuổi học ban Tú tài trường Louis Pasteur, người thanh niên Nguyễn Tiến Hà bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng bằng việc tham gia Hội truyền bá quốc ngữ cho người lao động nghèo như “con sen, cậu nhỏ” (người giúp việc cho gia đình).

"Đó không đơn thuần là dạy chữ mà còn là công tác tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh, kêu gọi đồng bào đứng lên giải phóng đất nước", ông Hà hồi tưởng.

Những buổi học diễn ra vào ban đêm, sau khi người lao động đã hoàn thành công việc trong ngày. Tại ngôi trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái - Phố Bạch Mai (Hà Nội) tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc được người thầy giáo trẻ thắp lên trong lòng mỗi người dân.

“Tôi hoạt động cách mạng lúc đó vẫn nằm trong Đoàn Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng). Dạy chữ quốc ngữ thuộc phong trào thanh niên lúc bấy giờ tuỳ theo trình độ và khả năng của mình. Như người biết chữ dạy cho người chưa biết, chứ không phải thông qua một lớp học sư phạm nào”, ông Hà chia sẻ với Sputnik.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ‘‘Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu’’, thầy giáo trẻ Nguyễn Tiến Hà luôn tâm niệm “phải biết chữ mới mở mang trí tuệ con người”, từ đó mới có thể “tự mình, tự lực tự cường, đứng lên để giải phóng đất nước”.

Niềm vui ngày Lễ Độc lập

Năm 1945, trong bối cảnh cách mạng đang sục sôi, công tác tuyên truyền cần được tăng cường cả về quy mô lẫn chiều sâu. Ông Nguyễn Tiến Hà cùng các thanh niên trong tổ chức đã tích cực rải truyền đơn tại các khu vực đông người, vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, huấn luyện sử dụng vũ khí và chống giặc đói, giặc dốt cho đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Đặc biệt, ngày 2/9/1945, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà có mặt tại Quảng trường Ba Đình, chứng kiến giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Ngày 2/9/1945, tôi may mắn được tham gia vào cuộc mít tinh lịch sử này. Có thể nói, ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập, đánh dấu sự đổi đời của đất nước Việt Nam từ thân phận nô lệ sang một quốc gia độc lập, tự do và có quyền mưu cầu hạnh phúc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Tuyên ngôn Độc lập, con người sinh ra có quyền tự do và bình đẳng, có quyền mưu cầu sự sống. Giờ đây Việt Nam thực sự độc lập, tự do và ngang hàng với các nước trên thế giới. Tôi cảm thấy sung sướng và tự hào về con người và đất nước Việt Nam. Đối với nhân dân, đặc biệt là thanh niên, lời Bác đã ăn sâu vào tâm trí. Như thể tôi được sống lại, cảm nhận ánh sáng của tự do một lần nữa”, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà xúc động hồi tưởng.

Khánh thành Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam tại Liên bang Nga
Dù đã 79 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại, ông Nguyễn Tiến Hà vẫn cảm thấy tự hào và xúc động vì đã tham gia cách mạng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đóng góp sức trẻ và nhiệt huyết của mình cho những ngày lịch sử trọng đại của Thủ đô Hà Nội.

Kiên cường trước tra tấn, giữ vững ý chí cách mạng

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Hà xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những ngày đầu tiên, ông và đồng đội chiến đấu, quyết tử ở chiến lũy “Ô Cầu Dền” (Bạch Mai) thuộc Liên khu II (nay thuộc quận Hai Bà Trưng), góp phần cùng quân và dân Hà Nội có nhiệm vụ cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa đầu tiên, sau đó được lệnh tạm rút về an toàn khu để bảo vệ lực lượng chiến đấu lâu dài.
Năm 1949, ông được phân công hoạt động bí mật tại vùng tạm chiếm ở Hà Nội. Năm 1950, trong một lần thực hiện nhiệm vụ cướp tù, ông không may bị địch bắt, tra tấn dã man và giam tại Sở mật thám (nay là Trụ sở Công an Thành phố Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo). Sau lần vượt ngục bất thành, địch đã chuyển ông sang giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Ông Hà cho biết:

“Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước cho khả năng bị địch bắt khi tham gia hoạt động địch hậu. Khi dấn thân vào con đường cách mạng, tôi hiểu rằng phải chấp nhận gian khổ. Đây là lời hứa trung thành với lý tưởng cách mạng và bảo vệ những giá trị đó. Hơn nữa, tấm gương hy sinh của các chiến sĩ cách mạng đi trước là nguồn động lực để tôi học tập. Thứ ba, tôi luôn tin tưởng vào lãnh tụ Hồ Chí Minh. Như Bác đã nói: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,” và gian khổ là điều tất yếu”.

Tại nhà tù Hỏa Lò, nơi được ví như “địa ngục trần gian”, dù điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, kham khổ nhưng chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà vẫn tiếp tục có những ngày tháng hoạt động sôi nổi cùng các đồng chí, đồng đội.

“Tôi bị kết án 18 tháng tù giam tại nhà lao Hoả Lò, ra toà mình cũng cãi. Tôi đứng lên cãi là không có tội gì, chỉ có lòng yêu nước. Do chúng đã giam tôi gần 3 năm nên xử xong buổi sáng thì buổi chiều tôi được thả ra ngay. Nhân dân chứng kiến phiên toà tôi đã đối đáp với địch như thế nào nên họ ra đón, rất quý”, ông Hà nhớ lại.

Vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngay sau đó, ông Nguyễn Tiến Hà đã nhanh chóng tìm cách liên lạc với đơn vị và tiếp tục hoạt động cách mạng dưới danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa cho tới tận ngày Giải phóng.

“Trong quá trình hoạt động cách mạng, tôi nhận ra rằng Việt Nam không đơn độc. Chúng ta được các nước ủng hộ vì có chính nghĩa. Sự giúp đỡ to lớn và đáng tin cậy từ Liên Xô đã tạo động lực mạnh mẽ. Với một đất nước Liên Xô hùng mạnh ủng hộ, tôi tin rằng chiến thắng của nhân dân Việt Nam ngày càng trở nên vững chắc hơn”, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà chia sẻ với Sputnik.

Lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ

Ở tuổi 97, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà vẫn luôn trăn trở về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng. Ông nhấn mạnh:

"Bây giờ việc xây dựng và bảo vệ đất nước phải trông chờ vào những người đi sau và nhất là thanh niên. Phải thấm nhuần, phải biết lịch sử đấu tranh gian khổ giành độc lập của dân tộc Việt Nam, tự hào để mình tiếp nối truyền thống ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đoàn Việt Nam tham gia diễu hành tại Festival Thanh niên Thế giới ở Sirius
Theo ông, thanh niên có nhiệm vụ nặng nề xây dựng và phát triển đất nước.

"Muốn nối tiếp làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, thanh niên bây giờ phải dựa vào trí tuệ, khoa học - kỹ thuật và công nghệ. Không chỉ dùng sức lực mà phải vận dụng trí óc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng", ông nhắn nhủ.

Sau này, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng gắn với sự nghiệp giáo dục. Trước khi nghỉ hưu, ông là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Câu chuyện của nhà giáo Nguyễn Tiến Hà là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của thế hệ những người con Việt Nam đã hiến dâng tuổi xuân giành độc lập,, tự do của dân tộc. Đó cũng là bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng mà thế hệ trẻ hôm nay cần kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thảo luận