Vinh danh 5 Sứ giả tiếng Việt năm 2024

Tối ngày 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương đã được diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu.
Sputnik
Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì thực hiện.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Các chương trình và hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và đổi mới về cách thức thực hiện, qua đó tạo môi trường giao lưu, trau dồi tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ.
Chương trình "Tiếng Việt Vui": Nỗ lực gìn giữ văn hóa Việt tại Nga thông qua giáo dục ngôn ngữ
Khẳng định "tiếng nói và bản sắc văn hóa của dân tộc là hành trang không thể thiếu với mỗi cá nhân khi ra với thế giới để hòa nhập mà không hòa tan, để khẳng định vị thế của mình trong xã hội sở tại", ông mong bà con kiều bào luôn quan tâm dạy tiếng Việt cho các thế hệ con cháu, cũng như bảo tồn và quảng bá những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tại chương trình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đã trao thưởng cho 5 Sứ giả tiếng Việt trong cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024".
Trong đó, em Trần Vũ Hạnh My, 8 tuổi (kiều bào Nhật), là sứ giả nhỏ tuổi nhất được vinh danh.
Em đã tích cực học tiếng Việt thông qua các bài hát cách mạng Việt Nam, những bài thơ và câu chuyện kể từ mẹ và anh trai.
Multimedia
Nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt: Những triển vọng và thách thức mới tại EEF-2024
Bà Lanny Phetnion (quốc tịch Lào), giảng viên khoa tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào, là người nước ngoài duy nhất được vinh danh là Sứ giả tiếng Việt năm nay.
Bà đã biên soạn giáo trình song ngữ Việt - Lào, lập các kênh mạng xã hội để lan tỏa tiếng Việt đến người Lào.
Các sứ giả khác bao gồm bà Thủy Lê - Scherello (kiều bào Đức), tác giả hai cuốn sách song ngữ; ông Nguyễn Thế Dương (kiều bào Úc), người mở các lớp học tiếng Việt miễn phí tại Queensland và thành lập trường Yêu Tiếng Việt; bà Nguyễn Thị Thu Loan - một nữ tu Công giáo đã lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam thông qua giảng dạy tiếng Việt tại Algeria.
Thảo luận