James Rubin, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết: "Đã nhiều tháng các vị đặt ra câu hỏi về Nam bán cầu, về chuyện tại sao không có đủ sự hỗ trợ dành cho Ukraina, tại sao chúng tôi làm hoặc không làm việc này việc khác ở Trung Đông hoặc Châu Phi. Nhưng một trong những nguyên nhân, không phải là nguyên nhân độc nhất, mà là một trong những nguyên nhân, tại sao cả thế giới không ủng hộ Ukraina nhiều như lẽ ra cần phải ủng hộ sau khi Nga xâm nhập Ukraina và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của ngoại giao quốc tế cùng hệ thống quan hệ quốc tế, một trong những nguyên nhân căn bản, đó là hệ thống thông tin sai lệch và tuyên truyền của Nga dưới sự bảo trợ RT".
“Một trong những nguyên nhân khiến phần lớn thế giới không ủng hộ Ukraina như cần phải thế, là bởi phạm vi ảnh hưởng rộng rãi của RT”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố.
Như khẳng định của vị quan chức này, Washington đã nhận được những dữ liệu mới, theo đó RT dường như sở hữu khả năng và đã tham gia những chiến dịch mật về can thiệp vào công việc của các nước khác, cũng như dự phần vào những hoạt động mua sắm quân sự. Theo lời ông này, những thông tin như vậy dường như do chính các nhân viên của kênh truyền hình cung cấp.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ, Anh và Canada bắt đầu phát động chiến dịch ngoại giao chung nhằm gắn kết các đối tác để đáp trả “mối đe dọa từ phía RT và các công cụ gây ảnh hưởng và làm sai lệch thông tin của Nga”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ công bố.
Ông chỉ ra rằng các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã nhận được chỉ thị: họ cần cung cấp cho đồng minh “những bằng chứng” về những khả năng mà dường như RT sở hữu và cách kênh này “sử dụng những khả năng đó” ở các quốc gia khác nhau.
Chính phủ các nước sẽ độc lập quyết định cách ứng phó với mối đe dọa này, nhưng như Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Hoa Kỳ kêu gọi các nước hãy nhận thức chân tướng hoạt động của kênh truyền hình này «giống như nhận thức mọi hoạt động tình báo khác của Nga trong biên giới nước mình”.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt chống ba cơ cấu và hai cá nhân vì “những chiến dịch bí mật của Matxcơva để gây ảnh hưởng toàn cầu, kể cả việc can thiệp vào nền dân chủ và cuộc bầu cử sắp tới ở Moldova”.
Tuy nhiên, ông không đưa ra được bất kỳ bằng cớ hay chứng cứ nào về điều này.
Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt chống Tập đoàn Truyền thống Quốc tế «Rossiya Segodnya» và ông Dmitry Kiselev
Hôm thứ Sáu, Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố áp đặt các biện pháp hạn chế chống tập đoàn «Rossiya Segodnya» và Tổng giám đốc tập đoàn, ông Dmitry Kiselev.
Bộ Tài chính đã cấp giấy phép chung, yêu cầu hoàn thành các giao dịch tài chính với tập đoàn truyền thông Nga trước ngày 13 tháng 11 năm 2024.
Thông báo tương ứng đã công bố trên trang web chính thức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không định trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraina
Hoa Kỳ không định trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraina, trong đó có việc gửi quân tới nước này, đại diện chính thức của cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ là Matthew Miller tuyên bố hôm thứ Sáu.
«Chúng tôi đã làm rõ rằng chúng tôi không có ý định trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraina, bao gồm cả việc gửi lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ đến Ukraina», phát ngôn viên Miller nói trong cuộc họp báo ngắn.
Phản ứng của bà Simonyan đối với lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ chống RT
Đáp lại các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ, bà Margarita Simonyan TBT Tập đoàn Truyền thông Quốc tế «Rossiya Segodnya» và kênh truyền hình RT tuyên bố rằng điều đó chứng tỏ bà đã không sống một cách vô ích.
«Như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, «một trong những nguyên nhân khiến Ukraina không nhận được sự hỗ trợ lớn đến thế ở các nước khác – chính là RT». Tôi đã không sống cuộc đời mình một cách vô ích. Nói nghiêm túc đấy», bà Simonyan viết trên kênh Telegram cá nhân.
Bộ Ngoại giao Nga bình luận về lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ chống RT
Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã chế giễu lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ chống lại truyền thông Nga, cụ thể là kênh truyền hình RT. Bà Zakharova tuyên bố rằng ở nước Mỹ cần xuất hiện một nghề nghiệp mới: “chuyên gia về áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga”.
“Tôi nghĩ rằng một nghề mới cần xuất hiện ở Hoa Kỳ - đó là chuyên gia về các lệnh trừng phạt chống Nga. Ai đó phải theo dõi giám sát để ít nhất là các lệnh trừng phạt đó không lặp lại. Bởi vì người ta đã quay vòng thứ hai với RT. “Và một lần nữa lại là đêm xám xịt», bà Zakharova viết trên kênh Telegram cá nhân.
Ngày 4/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bà Margarita Simonyan, tổng biên tập tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya và kênh truyền hình RT, cũng như các cấp phó của bà Anton Anisimov và Elizaveta Brodskaya. Ngoài họ, người đứng đầu đài truyền hình RT Andrei Kiyashko, người đứng đầu bộ phận dự án truyền thông kỹ thuật số Konstantin Kalashnikov và một số nhân viên khác của kênh truyền hình cũng bị đưa vào danh sách đen.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thắt chặt điều kiện làm việc của tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya và các công ty con của nó, xác định tư cách là “cơ quan đại diện nước ngoài”. Theo yêu cầu của Đạo luật Phái bộ Nước ngoài, họ sẽ phải thông báo cho cơ Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân sự và tài sản tại Mỹ.
Chính quyền Mỹ cũng công bố chính sách mới hạn chế cấp thị thực cho các cá nhân được cho là đại diện cho các cơ quan truyền thông "được Điện Kremlin hậu thuẫn". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối tiết lộ cụ thể ai bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về thị thực. Bình luận về các biện pháp trừng phạt mới, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chúng không nhằm vào cá nhân các nhà báo Nga mà nhằm vào các nhân viên của các tổ chức bị hạn chế “tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp”.
Cùng với điều đó, chính quyền Mỹ đã buộc tội ông Konstantin Kalashnikov và một nhân viên RT khác, bà Elena Afanasyeva, về tội âm mưu rửa tiền và vi phạm Đạo luật đăng ký đại lý nước ngoài (FARA).