Để đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao Việt Nam cần phát triển nội lực

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất nhập khẩu đang đạt hơn 100% GDP, nên Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài. Để đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao Việt Nam cần phát triển nội lực.
Sputnik
Về bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 và dự báo cho những tháng cuối năm khách mời của Sputnik - Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa đã có vài chia sẻ với phóng viên Sputnik.

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực

Sputnik: Kính chào Tiến sỹ Lê Hòa! Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm đàu năm 2024 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng qua của Việt Nam tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông có thể chia sẻ về những nét chính của bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024?
Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa:
Nếu nhìn tổng thể, có thể nói: Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực, đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19, có nhiều điểm sáng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đây cũng là đánh giá của Chính phủ Việt Nam tại Phiên họp thường kỳ ngày 7/9.
Cần nhấn mạnh ý nghĩa của những gì Việt Nam đã đạt được và những nỗ lực lớn của Việt Nam. Kết quả đó đạt được trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới phức tạp, bất ổn, rất nhiều thách thức. Thứ hai là kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi chậm, thiếu vững chắc, các thị trường tài chính - tiền tệ, vàng, xăng dầu, vận tải thế giới… có nhiều biến động mạnh... Thứ ba là những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày càng có những tác động nặng nề hơn.
Đưa Việt Nam vào nhóm 30-35 nền kinh tế lớn trên thế giới
Nói về những kết quả kinh tế trong 8 tháng năm 2024 một cách cụ thể, trước hết, đó là sự ổn định tương đối của kinh tế vĩ mô, như Chính phủ Việt Nam đã báo cáo, “lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội”.
Về sản xuất, sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì đà tăng đáng kể; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Theo Báo cáo của Chính phủ; chỉ số sản xuất toàn ngành công 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%, so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng nữa của bức tranh kinh tế là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng FDI đăng ký 8 tháng 2024 đạt gần 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%; vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Theo thống kê sơ bộ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng năm 2024 đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD. Đây cũng là một điểm sáng, nhưng mặt khác, hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, số lượng nhiều như giá trị không cao.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số, chính phủ điện tử, cải cách thể chế và cắt giảm những thủ tục hành chính

Sputnik: Theo các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Ví dụ, các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) dự báo: Tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5-1,0 phần trăm, và có thể đạt 6%. Còn HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên mức 6,5%. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam tăng lên 6,3% năm 2024.
Ông có bình luận gì về những dự báo này?
Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa:
Khi nói tới những thành tựu của tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm, cần lưu ý một điểm quan trọng là cho dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm khá tích cực, song nền kinh tế lại phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chứ chưa hẳn đến từ nội lực của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất nhập khẩu đang đạt hơn 100% GDP, nên Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài, trước hết là thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhiều lĩnh vực hoạt động gặp khó khăn, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng đang đối diện với nhiều thách thức lớn.
Việt Nam tiến vào top nền kinh tế thế giới nhưng đừng để bị “thôi miên”
Trong những tháng tiếp theo, nếu Việt Nam thúc đẩy được đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng được đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào nền kinh tế, chuyển dịch được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, công nghệ xanh, tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn, đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng… thì chỉ số 6% có thể đạt được. Nhưng chỉ tiêu mà Chính phủ Việt Nam có nói tới: Đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8-7% và phấn đấu trên 7%, tôi cho là nhiệm vụ rất khó. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tăng nội lực được hay không mà nền kinh tế của Việt Nam đang phải chịu tác động và phụ thuộc vào nhiều biến động,sự bất lường của nền kinh tế thế giới cũng như tình hình địa chính trị khu vực và thế giới.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số chuyên gia kinh tế là trong tình hình hiện nay, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, trong những tháng cuối năm Việt Nam nên đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số, chính phủ điện tử, cải cách thể chế và cắt giảm những thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí ngoài pháp luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Sputnik: Cảm ơn Tiến sỹ Lê Hòa đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik!
Thảo luận