Chủ tịch Quốc hội: Phiên họp thứ 38 có ý nghĩa rất quan trọng

Sáng 7/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 38.
Sputnik
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, phiên họp thứ 38 có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát những công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, phiên họp sẽ diễn ra trong 5 ngày với 21 nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp 8. Trong đó có các dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Dữ liệu…
Ông nói thông thường tại phiên họp sát kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét nội dung về kinh tế, ngân sách nhà nước và một số ít nội dung cấp bách.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề "tham nhũng chính sách" khi làm luật
Nhưng khối lượng công tác lập pháp, Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8 rất lớn, do vậy đến phiên họp tháng 10 vẫn còn khá nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
"Chưa có lúc nào trong tháng 8 và tháng 9, Thường vụ họp rất nhiều phiên để cho ý kiến vào các dự luật, nghị quyết, thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, giai đoạn 2023 - 2025", ông Mẫn nói.
Có 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến về thí điểm xử lý vật chứng tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Đáng chú ý trong đó, Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội.
Đây là báo cáo quan trọng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể, làm cơ sở các cơ quan tiếp thu hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.
Làm sao ngắn gọn, thực chất, sát thực tiễn, đánh giá được tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách của đất nước trong 1 năm qua cũng như thể hiện đầy đủ, trung thực, khách quan ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến 3 vấn đề quan trọng trình Quốc hội, gồm: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035; Chủ trương đầu tư quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công tác nhân sự.
Việt Nam sắp xem xét công tác nhân sự
Về một số công việc khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, theo đó sẽ rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ họp, từ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp đến cách thức tổ chức, công tác bảo đảm an ninh; xem xét quyết định thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, nguồn ngân sách nhà nước Trung ương năm 2024…
Để phiên họp tiến hành hiệu quả, đạt yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy trí tuệ, xem xét thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc đối với mỗi nội dung, thể hiện quan điểm rõ ràng về việc các nội dung có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.
Đây là giai đoạn nước rút để hoàn tất nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có thể tranh thủ làm ban đêm, cả thứ 7, Chủ nhật để đảm bảo công việc.
“Niềm tin của người dân kỳ vọng vào kỳ họp của chúng ta, muốn thành công, chúng ta phải chuẩn bị kỹ nội dung từ sớm, từ xa”, khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề quan trọng, làm sao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay trong phát triển kinh tế- xã hội.
Thảo luận