Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Các sự kiện xen kẽ nhau với tốc độ cao đến mức đôi khi khó có thể nhớ rõ những gì đã xảy ra chỉ một tuần trước. Lối "sống vội", sự tràn ngập của những thông tin mới trên Internet, đài phát thanh, truyền hình, báo chí khiến thời gian và cơ hội để nhìn lại và hồi tưởng về quá khứ ngày càng ít đi.
Có ít cơ hội hơn, nhưng mong muốn nhìn lại và hồi tưởng về quá khứ không hề ít đi. Tôi rút ra kết luận này dựa trên sự cộng hưởng rộng rãi mà loạt bài mạn đàm “Những trang sử vàng” gây ra giữa các độc giả của Sputnik, đặc biệt là những bài viết về sự hợp tác kỹ thuật quân sự Xô-Việt trong cuộc không chiến của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi trò chuyện với tôi, nhiều độc giả Việt Nam chỉ ra khá đúng rằng, trong biên niên sử về những năm đó có rất nhiều trang mà có một thời không thể hoặc không muốn nhắc đến vì nhiều lý do. Bây giờ ở cả hai nước chúng ta hoặc không có lệnh cấm nào, hoặc chúng đã giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, sự im lặng trước đó trở thành mảnh đất màu mỡ cho đủ loại suy đoán, ảo tưởng về những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam. Theo thời gian, việc phát hiện sự thật ngày càng khó khăn hơn, nhưng đồng thời điều đó ngày càng trở nên cần thiết. Trong đó có một số điều kỳ lạ gắn liền với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Quả thực, đã có thời guan Liên Xô giữ im lặng về sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong cuộc kháng chiến lần thứ hai. Sau đó - một thái cực khác - trong những bài viết và tiểu thuyết, người ta bắt đầu nói về các phi công quân sự Liên Xô đã bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam, về các sĩ quan tình báo Liên Xô đã bắt giữ và hỏi cung các phi công Mỹ, về những đơn vị bộ binh của Liên Xô được cho là đã hoạt động tại các khu vực do chính quyền Sài Gòn kiểm soát trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Những thông tin ảo này vẫn đang được truyền bá trên báo chí phương Tây.
Tôi đã có cơ hội trò chuyện với nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô, với những người lãnh đạo các cơ quan đảng và nhà nước từng tham gia giúp đỡ nước Việt Nam DCCH trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, và tôi đã làm quen với nhiều tài liệu lưu trữ về chủ đề này. Tất cả những điều này giúp tạo ra một bức tranh rõ ràng nhất có thể về những gì đã xảy ra và những gì không xảy ra trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử Việt Nam, trong giai đoạn thử thách nghiêm trọng nhất trong sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Nga và Việt Nam.
Trong những bài mạn đàm trước của loạt bài này, chúng tôi đã nói về công việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt mười năm chiến tranh, bắt đầu từ năm 1965, có khoảng mười một nghìn lính nghĩa vụ, sĩ quan và tướng lĩnh đã được cử sang Việt Nam với tư cách là chuyên gia quân sự của Liên Xô. Trong khi đó quân số của Mỹ đưa vào miền Nam Việt Nam trong một số thời kỳ đã lên tới 500.000 quân. Và một trong những khía cạnh đáng kinh ngạc của cuộc chiến này là quân đội Liên Xô và Mỹ chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp. Cùng lắm thì một trong những chuyên gia Liên Xô theo dõi từ xa khi dân quân Việt Nam bắt sống phi công Mỹ đã nhảy dù từ máy bay bị bắn rơi.
Và điều này càng kỳ lạ hơn bởi vì phía Liên Xô đã không chỉ một lần yêu cầu Hà Nội tổ chức cuộc gặp với những tù binh phi công Mỹ. Tất nhiên, yêu cầu này không phải là sự tò mò vu vơ. Các chuyên gia Liên Xô đã phục vụ trong tất cả các quân chủng, chi nhánh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và lực lượng quân sự của Việt Nam, đặc biệt bộ đội tên lửa phòng không và không quân, được trang bị thiết bị quân sự của Liên Xô. Trong năm đầu tiên khi Việt Nam mới bắt đầu sử dụng các tổ hợp tên lửa của Liên Xô, chính các chiến sĩ tên lửa Xô Viết đã bắn vào các máy bay Mỹ và đã bị không quân Mỹ tấn công trả đũa.
Điều dễ hiểu, nếu các chuyên gia Liên Xô nhận được những thông tin từ phi công Mỹ, ví dụ, về những thiết bị gây nhiễu được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống tên lửa phòng không, thì có thể nâng cao hiệu quả phòng không của lực lượng Việt Nam chống lại các vụ không kích của Mỹ. Tuy nhiên, dù có vẻ kỳ lạ đến đâu, phía Việt Nam liên tục từ chối yêu cầu của Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô và không tổ chức những cuộc gặp như vậy. Đôi khi phía Việt Nam chỉ đề nghị viết những câu hỏi để đặt trong cuộc hỏi cung người Mỹ. Và các câu trả lời của tù binh cũng được chuyển đến phía Liên Xô dưới dạng văn bản.
Chỉ có một trường hợp duy nhất khi trưởng nhóm chuyên gia quân sự Xô Viết được phép có mặt khi hỏi cung tù binh phi công Mỹ, nhưng hoàn toàn không phải để ông ta tiến hành cuộc hỏi cung hoặc tham gia vào việc đó, như báo chí phương Tây một thời đã viết. Chuyên gia Liên Xô đã được phép ngồi ghế đằng sau tấm bình phong và chú ý lắng nghe phiên dịch người Việt dịch cho ông cuộc hỏi cung này. Vào ngày hôm đó, trong cuộc hỏi cung tù binh phi công Mỹ đã không vang lên câu hỏi nào về những vấn đề kỹ thuật. Sĩ quan Liên Xô hồi tưởng lại, hầu như trong suốt cuộc hỏi cung, tù binh đã khóc và thề sẽ trả tiền để khôi phục cây cầu bắc qua sông Hồng đã bị phá hủy trong vụ không kích khi chiếc máy bay của nó bị bắn rơi. Nhân tiện xin nói luôn, các chuyên gia tên lửa Liên Xô đã bắn rơi chiếc máy bay đó.
Nhưng không chỉ việc thiếu cơ hội thu thập trực tiếp những thông tin cần thiết từ phi công Mỹ đã làm phức tạp thêm công việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Chúng tôi sẽ nói về điều này trong phần tiếp theo của loạt bài “Những trang sử vàng”.