Mô hình CLV-DTA vừa kết thúc sứ mệnh của nó

Ông Samdek Techo Hun Sen chỉ đề cập đến một phần nguyên nhân của việc Campuchia rút khỏi sáng kiến CLV-DTA. Vấn đề còn lớn hơn nhiều và nguồn cơn của nó còn sâu xa hơn thế rất nhiều.
Sputnik
Báo chí và truyền thông nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa tin đậm nét về việc Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác tam giác kinh tế ba bên Việt Nam – Lào – Campuchia (CLV-DTA) ngày 7/10/2024. Giải thích cho hành động này, nhà lãnh đạo Campuchia đã phát biểu:
“Thời gian gần đây, các thành phần cực đoan đã tuyên truyền xuyên tạc về sáng kiến này như một vũ khí chính trị để vu khống và tấn công Chính phủ Campuchia, gây hoang mang trong dư luận… Chính phủ Campuchia đã thực hiện các biện pháp, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng để người dân có thể hiểu rõ hơn về hợp tác Tam giác Phát triển CLV, vạch trần thủ đoạn chính trị của những kẻ cực đoan, duy trì hòa bình và ổn định xã hội” (theo VOV).

Nguồn cơn còn sâu xa hơn nhiều

“Ông Samdech Techo Hun Sen chỉ đề cập đến một phần nguyên nhân của việc Campuchia rút khỏi sáng kiến CLV-DTA. Vấn đề còn lớn hơn nhiều và nguồn cơn của nó còn sâu xa hơn thế rất nhiều. Mặc dù bận bịu vào việc đối phó với Liên bang Nga tại chiến trường Ukraina, yểm trợ cho Israel đối phó với Iran và 3H (Hamas, Hezbollah và Houthis) ở Trung Đông, yểm trợ cho Hàn Quốc đối phó với Triều Tiên và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bán phần Hạ viện Mỹ năm 2024 đang “căng như dây đàn”, người Mỹ vẫn không “quên Đông Nam Á và Nam Á”, Nhà phân tích chính trị và quân sự Nguyễn Minh Tâm đưa ra bình luận, trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cũng nhấn mạnh: Trong khi các cuộc bạo loạn vũ trang của người San do CIA giật dây dần dần tàn lụi thì các cuộc biểu tình bạo loạn của sinh viên Bangladesh hồi đầu tháng 8/2024 đã khiến Thủ tướng Sheikh Hasina của quốc gia Nam Á này phải từ chức. Sự kiện này đã được các thế lực người Khơ Me ở nước ngoài chống chính quyền Campuchia coi như một “tấm gương” để kích động bạo loạn. Nhưng cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Phnompenh ngày 18/8/2024 lại không phải là một phong trào xuất phát từ những người Campuchia trong nước. Xuất phát điểm của nó là một địa điểm nổi tiếng trên đất Mỹ, đó là Langly, nơi đặt tổng hành dinh của Cơ quan tình báo Mỹ CIA.
Nguyên nhân buộc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào
Trong hai thập kỷ vừa qua, thế lực chính trị đối lập lớn nhất với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) do Sam Rainsy và Kem Sokha lãnh đạo. Đây là những “quân bài chính trị” của người Mỹ tại Campuchia nhằm lôi kéo nước này và quỹ đạo của Mỹ thông qua việc đối đầu với CPP. Trong vụ án tháng 10/2017, Kem Sokha bị bắt vì tội phản quốc. Còn Phó chủ tịch CNRP Mu Sochua và cựu lãnh đạo SRP Thạch Sê Tha (quê tại Sóc Trăng, Việt Nam, kẻ đứng đầu nhóm phản động Khơ Me Krom - KKK), những người được cho là các nhà hoạt động nhân quyền đã nhanh chân chạy trốn sang Mỹ. Trước đó, trong vụ án về tội phỉ báng Phó thủ tướng Ho Nam Hong, lãnh đạo “Đảng Ánh nến” (SRP) Sam Rainsy trước đó cũng bị xử án tù.

"Điều đặc biệt là các lãnh đạo đảng CNRP (hợp nhất từ SRP và Đảng Nhân quyền KSM) đều có tư tưởng chống Việt Nam, đòi lại vùng Đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam. Nhưng họ lại dựa vào người Mỹ chứ không dựa vào người trung Quốc như Khơ Me Đỏ trước đây", - nhà phân tích nguyễn minh tâm nhấn mạnh với sputnik.

Sau khi được tá túc tại Mỹ, Mu Sochua, Thạch Sê Tha và Son Chay, những “đồ đệ” cũ của Sam Rainsy với sự trợ giúp của người Mỹ thông qua các tổ chức nhân quyền phi chính phủ đã vận động thành lập một loạt các tổ chức chống chính quyền Campuchia ở nước ngoài nhân danh các chi nhánh của Đảng Quyền lực Khơ Me (KPP), một tổ chức chính trị bất hợp pháp đang hoạt động trong nước.do Soung Sophorn và Serey Ratha cầm đầu. Mặc dù KPP đã bị chia tách thành Đảng Cải cách Khơ Me (KKP) và Đảng Thắng lợi Khơ Me (KVP) nhưng hai đảng này đều có chung hệ tư tưởng dân tộc cực đoan, chống Việt Nam và chống cộng sản.
Trong hơn 10 năm, các chi nhánh của các đảng này ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Mỹ đã vận động các sinh viên Campuchia đang theo học tại các trường đại học danh tiếng của nước này tham gia vào các cuộc biểu tình chống Việt Nam, yêu cầu Việt Kiều phải hồi hương khỏi Campuchia. Luận điệu thường thấy của các thế lực chính trị này là vu cáo chính quyền Campuchia cắt đất cho Việt nam, không chịu đòi lại “Thủy Chân Lạp” (tức Đồng bằng Nam Bộ) cho Campuchia.

"Cũng như các thế lực phản động thù địch với Việt Nam hoạt động ở Mỹ và phương Tây, các nhóm chống chính quyền Campuchia ở nước ngoài cũng sử dụng chiến thuật “chuyển lửa về quê hương”. Và vụ biểu tình phản đối Sáng kiến Tam giác Phát triển CLV-DTA ở Campuchia từ ngày 18/8 đến đầu tháng 9/2024 vừa qua là kết quả của chiến thuật đó", - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đưa ra đánh giá với Sputnik.

Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đều cho rằng thật đáng tiếc trước việc Campuchia rút khỏi Sáng kiến CLV-DTA nhưng cả Việt Nam và Lào đều hiểu rõ tình thế nội trị của Campuchia và hết sức thông cảm với biện pháp “cực chẳng đã” này của Phnompenh để “rút củi đáy nồi”.

Sau 25 năm hoạt động, việc cơ chế CLV-DTA phải dừng hoạt động là một điều rất đáng tiếc

Thỏa thuận (hay còn gọi là Sáng kiến) về Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (gọi tắt là CLV – DTA) hình thành năm 1999 trong hội nghị cấp cao giữa Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia tại Viêng Chăn. Tác giả của sáng kiến đó chính là ngài Samdech Techo Hun Sen, khi đó là Thủ tướng Campuchia. Đến năm 2004, Thỏa thuận CLV-DTA chính thức được xác lập tại TP Hồ Chí Minh trong một Hội nghị cấp cao ba bên.
Báo chí Mỹ và phương Tây thường đưa tin một cách mập mờ để làm cho độc giả hiểu lầm rằng sáng kiến CLV-DTA có ý nghĩa bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, khi khu vực CLV-DTA mới hình thành, nó chỉ bao gồm 10 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng và Mondulkiri của Campuchia; Attapư, Xekong và Salavan của Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc (sau này tách thành Đắc Lắc và Đắc Nông) của Việt Nam . Đến năm 2004, tại Hội nghị cấp cao 3 bên tại Siem Riep, có thêm 3 tỉnh được đưa vào sáng kiến này gồm Kratie của Campuchia, Champasak của Lào và Bình Phước của Việt Nam. Khu vực CLV-DTA này có tâm điểm là “Ngã ba biên giới” Việt Nam – Lào – Campuchia tại của khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon tum). Nói đầy đủ, đó chỉ là một tam giác phát triển kinh tế xã hội tại khu vực giáp biên giới của ba nước chứ không phải là toàn bộ lãnh thổ của ba nước.
Sau 25 năm phát triển, cơ chế CLV-DTA đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho ba nước. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD vào khu vực Tam giác phát triển tại Lào và Campuchia. Quy mô kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng từ mức 823,4 triệu USD năm 2016 lên 1,63 tỷ USD năm 2023 (gấp 2,1 lần). Quy mô thương mại Việt Nam - Campuchia tăng gấp gần 3 lần; từ mức 2,92 tỷ USD năm 2016 lên tới 8,56 tỷ USD vào năm 2023. Đối với từng đối tác, Việt Nam đã triển khai 49 dự án đầu tư trong khu vực thuộc Campuchia với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Con số tương tự trên lãnh thổ Lào là 1,97 tỷ USD với 67 dự án. Trong khi đó, 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực đã thu hút 233 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD.
Mối quan hệ Campuchia và Việt Nam đang thay đổi
Về khía cạnh xã hội, khu vực CLV-DTA đã tạo điều kiện thuận lợi để kết nối thể chế bao gồm việc tăng cường phổ biến chính sách, trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng và thực thi các chính sách vĩ mô; đơn giản hoá các thủ tục để thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, giao thông, quản lý và phát triển đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ba nước hợp tác vì lợi ích chung. Kết nối cơ sở hạ tầng tập trung vào các lĩnh vực như nâng cấp, hiện đại hóa và bảo đảm kết nối thông suốt và thuận lợi hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, du lịch; hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan của sông Mekong; rà phá bom mìn và các chất chưa phát nổ. Kết nối con người bao gồm kết nối trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh, các hoạt động từ thiện, quản lý và phát triển đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường giao lưu nhân dân. Riêng đối với Campuchia và Lào, Sáng kiến CLA-DTA đã giúp cho 4 tỉnh của Campuchia và 4 tỉnh của Lào giảm số hộ nghèo xuống dưới 15%.

"Với những thành công như vậy sau 25 năm hoạt động, việc cơ chế CLV-DTA phải dừng hoạt động là một điều rất đáng tiếc cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và nhiều đối tác nước ngoài đang chuẩn bị mở rộng đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, với sức ép từ các nước lớn lên Campuchia gồm Mỹ về an ninh - chính trị và Trung Quốc về kinh tế - xã hội; nếu không có những biện pháp xử lý ở tầm chiến lược khi Campuchia đang ở vào “thế kẹt” trong cuộc “cạnh tranh địa chiến lược” giữa hai cường quốc này thì những hậu quả tiếp theo sẽ khó mà đoán định trước, không chỉ đối với Campuchia mà còn cả đối với bán đảo Đông Dương cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á", - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.

Việc Campuchia rút khỏi cơ chế CLV-DTA kết thúc sứ mệnh của cơ chế này và gây ra những ảnh hưởng nhất định về nhiều mặt

"Vì cơ chế CLV-DTA là cơ chế hợp tác bình đẳng và tự nguyện trên cơ sở các bên cùng có lợi nên việc một trong ba đối tác, dù đó là Campuchia, Lào hay Việt Nam rút khỏi cơ chế này cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định về nhiều mặt", - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

Về kinh tế, những dự án đã triển khai và đang triển khai ở cấp độ khả thi sẽ vẫn tiếp tục hoạt động và phát huy tác dụng theo các mục tiêu mà trước tuyên bố ngày 20/9/2024, các bên đã đặt ra. Về văn hóa, xã hội, các bên vẫn tiếp tục các dự án đang tiến hành nhằm cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục nhưng buộc phải chuyển đổi cách thức cho phù hợp với tình hình mới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long còn nhấn mạnh: Về chính trị và ngoại giao, các thế lực thù địch với ba nước, chủ yếu là với Việt Nam và Campuchia sẽ lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền xuyên tạc, gây chia rẽ, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây hằn thù giữa các dân tộc, các tôn giáo như chúng ta đã thấy ở Đông Âu, ở Bắc Phi, ở Trung Đông ở Bangladesh vừa qua hay ở Pakistan hiện nay. Đây mới là điều quan trọng nhất! Bởi nếu không có sự ổn định về chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia thành viên thì mọi sự hợp tác đều sẽ gặp phải các lực cản và cuối cùng, cũng sẽ dẫn đến sự đổ vỡ còn nghiêm trọng hơn, tác động dây chuyền đến nhiều mối quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, văn hóa giáo dục v.v… Chính vì vậy mà trong sự kiện đáng tiếc này, các đối tác Việt Nam và Lào đều lấy sự ổn định chính trị của Campuchia làm trọng, đều mong muốn và giúp đỡ Campuchia nhanh chóng ổn định nội bộ để tiếp tục hợp tác và phát triển.

"Một số luồng thông tin của các thế lực thân Mỹ và phương Tây, chống Việt Nam, bài Trung Quốc cho rằng các thế lực Hoa kiều ở Phnompenh hoặc chính người Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để “lấp chỗ trống” tại Đông Bắc Campuchia. Tuy nhiên, đó là những luận điệu thể hiện sự hiểu biết về luật pháp quốc gia và pháp lý quốc tế thì ít mà mang tính kích động “đâm bị thóc, chọc bị gạo” thì nhiều", - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Nóng: Hun Sen tuyên bố rút khỏi Tam giác phát triển Campuchia-Việt Nam-Lào
Các chuyên gia phỏng vấn đều cùng quan điểm rằng, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Thương viện Campuchia nhấn mạnh rằng tuyên bố của Campuchia có hiệu lực từ ngày 20/9/2024. Điều đó có nghĩa là không có chuyện “hồi tố” đối với các dự án mà ba bên và các đối tác khác đã và đang triển khai tại khu vực Tam giác đó. Nó chỉ có ý nghĩa là từ ngày 20/9/2024, sẽ không có dự án nào được triển khai tại khu vực này theo cơ chế CLV-DTA nữa mà thôi.
Cần lưu ý rằng cơ chế CLV-DTA không phải là cơ chế hợp tác đa phương duy nhất của ba nước nói chung và Campuchia nói riêng. Hiện tại, vẫn còn đó các cơ chế hợp tác của ba nước trong ASEAN, trong nhóm CLMV (4 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), trong ACMECS (tức Tổ chức hợp tác chiến lược kinh tế Hạ nguồn sông Mekong, gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), trong GMS (Tổ chức hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan Việt Nam, 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc cũng như các đối tác phát triển khác trên toàn cầu.

"Chắc chắn là trước khi đi đến quyết định rút khỏi cơ chế CLV-DTA, phía Campuchia đã trao đổi và bàn bạc kỹ lưỡng với các đối tác Việt Nam và Lào. Do đó, cũng không loại trừ khả năng khi tình hình nội trị của Campuchia đã ổn định trở lại, ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ có thể thiết lập một mô hình hợp tác ba bên mới ưu việt hơn, quy mô hơn, sâu rộng hơn có hiệu quả hơn mô hình CLV-DTA vừa kết thúc sứ mệnh của nó", - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhận định.

Thảo luận