Chuẩn bị kỹ công tác nhân sự cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Ban Công tác đại biểu chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Sputnik
Dự kiến, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 28,5 ngày, khai mạc vào 21/10 và bế mạc vào ngày 30/11.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sáng nay, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Báo cáo về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét 42 nhóm nội dung.
Trong đó, có 30 nhóm nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề khác.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28,5 ngày, dự kiến khai mạc vào ngày 21-10, bế mạc vào ngày 30-11.
Kỳ họp sẽ tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ 21-10 đến 13-11; đợt 2 từ 20-11 đến 30-11.
Phó chủ tịch Quốc hội: "Cái gì cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được?"
Ông Cường cho hay, tính đến ngày 3-10, đã có 120/150 đầu tài liệu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội; Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã gửi 70/76 đầu tài liệu; các cơ quan của Quốc hội đã gửi 50/74 đầu tài liệu.
Văn phòng Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, công tác hậu cần, phòng chống dịch bệnh… phục vụ kỳ họp.
“Đến thời điểm này, cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã hoàn tất”, - ông Bùi Văn Cường cho hay.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tóm tắt Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã cho ý kiến về nội dung này.
Theo đó, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ họp; đồng thời, góp ý một số nội dung vào công tác tổ chức, sắp xếp thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Về việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản đôn đốc các bộ, ngành chuẩn bị sớm hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Chủ tịch Quốc hội: Phiên họp thứ 38 có ý nghĩa rất quan trọng
“Còn một số tài liệu liên quan quan đến các dự án luật, dự án chủ trương đầu tư đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các Tờ trình, dự thảo sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội”, ông Sơn thông tin.

Làm kỹ lưỡng công tác nhân sự

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá công tác chuẩn bị tài liệu đến thời điểm này đã có nhiều bước tiến bộ.
Số tài liệu đã tiếp nhận là 120/150 tài liệu, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng định hướng một số nội dung liên quan đến việc bổ sung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8, với tinh thần những dự án luật nào được chuẩn bị kỹ lưỡng mới đưa vào dự kiến Chương trình Kỳ họp. Chính phủ, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện tài liệu; thực hiện đúng Nội quy Kỳ họp.
Ông cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình.
Đối với công tác nhân sự kỳ họp tới, Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chuẩn bị “kỹ lưỡng, chu đáo”.
Đồng thời, giao Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề "tham nhũng chính sách" khi làm luật
Tổng Thư ký Quốc hội được giao khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tham mưu để UBTVQH xem xét, quyết định các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý: “Công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đi vào nề nếp; nhưng không được chủ quan mà cần chuẩn bị rốt ráo”.
Đặc biệt, kỳ họp thứ 8 sẽ làm việc trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không luật hóa nghị định, thông tư, để từng bước nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.
Thảo luận