Đoàn công tác của MAUR kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, MAUR, công ty vận hành metro số 1 và các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất áp dụng mô hình tổng công ty đường sắt đô thị với 100% vốn điều lệ do thành phố nắm giữ.
Mô hình tổng công ty này sẽ đảm nhận việc huy động vốn, quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển và vận hành các dự án đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ kinh doanh đa ngành trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản sẵn có nhằm đảm bảo tự chủ tài chính và duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách với chất lượng cao.
Theo MAUR, mô hình tích hợp đang được Tập đoàn Quảng Châu Metro áp dụng đã trở thành hình mẫu cho nhiều công ty tại các thành phố khác. Ưu điểm của mô hình này là quản lý xuyên suốt toàn bộ vòng đời dự án từ giai đoạn lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, đến vận hành và bảo trì.
Kết quả của việc quản trị đúng đắn và định hướng hợp lý đã giúp Tập đoàn Quảng Châu Metro đạt được tăng trưởng lợi nhuận đều đặn qua các năm và kiểm soát tỷ lệ nợ một cách hiệu quả.
MAUR cũng đề xuất UBND TPHCM giao Sở Tài chính phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) và các cơ quan liên quan để nghiên cứu phương án đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho việc đầu tư xây dựng hệ thống metro. Đồng thời, cần tìm cách tối ưu hóa nguồn thu thông qua việc khai thác hạ tầng đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, MAUR kiến nghị thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng kế hoạch tổng thể để khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga, tuyến metro, và khu vực lân cận. Kế hoạch này nhằm phát triển theo mô hình TOD (Phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm), qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho khu vực đô thị.