Việt Nam đã có năm thứ 3 liên tiếp cải thiện về chỉ số tự do kinh tế, cả về điểm số và thứ hạng. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời, thân thiện với thị trường nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Việt Nam lần đầu lọt top 100 về chỉ số tự do kinh tế
Mới đây, Viện Fraser (Canada) đã công bố “Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới”, cung cấp chỉ số Tự do kinh tế thế giới năm 2022 của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2022 là năm mà báo cáo có đủ dữ liệu mới nhất cho tất cả các quốc gia được đánh giá. Báo cáo phản ánh nhiều sự thay đổi trong chỉ số tự do kinh tế toàn cầu.
Chẳng hạn, nếu như ở báo cáo năm trước, Singapore vượt qua Hồng Kông để lần đầu tiên chiếm vị trí số 1 thì trong báo cáo năm nay, Hồng Kông có điểm cao hơn Singapore trong cả hai năm.
Các quốc gia có điểm số cao tiếp theo lần lượt là Thụy Sĩ, New Zealand, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ireland, Canada, Úc và Luxembourg.
Trong khối ASEAN, đứng đầu là Singapore (xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng), tiếp đến là Malaysia (29), Phillipines (59), Indonesia (59), và Thái Lan (65). Việt Nam xếp thứ 99, lần đầu lọt vào Top 100, tăng 4 bậc so với năm trước (103).
Với khu vực Đông Á, đứng đầu là Nhật Bản (11, tăng 4 bậc), tiếp đến là Đài Loan (19, giảm 8 bậc) và Hàn Quốc (32, tăng 13 bậc). Trung Quốc đứng thứ 104, thấp hơn cả Việt Nam, nhưng cũng tăng 3 bậc.
Nhìn chung, báo cáo cho biết điểm số tự do kinh tế trung bình toàn cầu cho tất cả các vùng lãnh thổ có dữ liệu đầy đủ kể từ năm 2000 đến năm 2019.
Điểm tự do kinh tế trung bình đã tăng từ 6,19 lên 6,80, nhưng điểm tự do kinh tế toàn cầu lại giảm liên tiếp trong 3 năm qua, chấm dứ hơn 1 thập kỷ tăng trưởng của chỉ số này.
Nhiều chỉ số cải thiện
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser công bố hàng năm. Theo đó, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022.
Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ vị trí 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Năm nay là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn và cách đánh giá của phương Tây đối với tự do kinh tế tại Việt Nam.
Xét về các chỉ số thành phần, lĩnh vực Hệ thống pháp lý và quyền tài sản không có sự thay đổi so với năm trước (5,15) điểm, dẫn đến thứ hạng sụt giảm 1 bậc, từ 77 xuống 78. Nguyên nhân khiến cho điểm số của lĩnh vực này còn thấp chủ yếu là do điểm số liên quan đến các tiêu chí Tư pháp độc lập, Tòa án công bằng và Thực thi hợp đồng còn thấp.
Lĩnh vực Đồng tiền vững mạnh có sự cải thiện chút đỉnh về điểm số (tăng từ 6,95 lên 6,98) nhưng cũng đủ để giúp thứ hạng tăng mạnh từ 116 lên 105. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát vẫn là điểm sáng. Dù vậy, tiểu thành phần Tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn chưa được khắc phục và Việt Nam vẫn nhận 0 điểm ở tiểu thành phần này.
Về tự do thương mại quốc tế, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,43 điểm lên 6,57 điểm từ năm 2021 đến năm 2022. Tuy vậy, thứ hạng ở lĩnh vực này lại giảm từ 101 xuống 113. Việt Nam đạt kết quả tốt ở các tiểu thành phần liên quan đến mức thuế quan và tỷ giá chợ đen, có cải thiện về Rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế. Song, Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về Độ mở thị trường tài chính.
Về lĩnh vực quy định, điểm số của Việt Nam tăng từ 6,16 điểm năm 2021 lên 6,20 điểm năm 2022, giúp cho thứ hạng của Việt Nam tăng từ 103 lên 99 trong cùng thời kỳ. Đánh giá tích cực trong lĩnh vực này chủ yếu ở tiểu thành phần Kiểm soát tín dụng, nhưng lại tiêu cực với các tiểu thành phần Quy định kinh doanh.
Điều chỉnh kịp thời của Chính phủ
Điểm số và thứ hạng của Việt Nam cải thiện trong 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2022, là thời gian cả thế giới phải đối phó với đại dịch Covid-19. Để chống dịch, chính phủ các nước đã áp dụng những biện pháp ảnh hưởng đáng kể đến quyền tự do kinh tế của người dân, dẫn đến điểm số tự do kinh tế trung bình toàn cầu giảm mạnh, từ 6,8 điểm năm 2019 xuống còn 6,56 điểm năm 2022.
Những ghi nhận tích cực về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời, thân thiện với thị trường nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch.
Thay đổi tích cực của Việt Nam được phản ánh qua sự cải thiện thứ hạng liên tục từ thứ 141/165 năm 2011 lên thứ 99/165 năm 2022. Tuy trong 4 năm, từ 2019-2022, thứ hạng của Việt Nam đã tăng đáng kể, nhưng điểm số vẫn tăng khá chậm, một phần là do Đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới nhằm tạo đà bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.