‘Lốc xoáy’ Covid-19, giá cả tăng phi mã, rủi ro lạm phát với nền kinh tế Việt Nam
© Depositphotos.com / Ilya SoldatkinTP Hồ Chí Minh.
© Depositphotos.com / Ilya Soldatkin
Đăng ký
Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 đặt ra nhiều vấn đề thách thức cho dự báo năm 2022, đặc biệt là giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, giá thép, kể cả giá vàng, giá đất đều tăng phi mã.
Tổng cục Thống kê cho rằng, bước qua năm 2022, áo lực lạm phát sẽ rất lớn. Khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, rủi ro lạm phát sẽ cao khi bị tác động bởi tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và cước vận chuyển.
Năm 2021: ‘Lốc xoáy’ Covid-19, giá cả tăng phi mã
Như Sputnik đã thông tin bức tranh tổng quát về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 cho thấy, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành kinh tế trọng điểm của cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đất nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tại cuộc họp báo cuối tháng 12 vừa qua, năm 2021 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 với biến chủng mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những quyết sách kịp thời để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, là Nghị quyết 128/NQ-CP cùng với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội khác đã giúp cởi trói, nới lỏng dần cho nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại sau thời gian giãn cách kéo dài, hành lang lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn, kinh tế dần hồi phục và tăng trưởng trở lại ở những tháng cuối năm 2021.
GDP quý IV ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,58%.
“Đây là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn khi các nguồn lực phải ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong suốt 2 năm vừa qua, cơn bão Covid-19 đã kéo theo một cơn bão khác cũng có sức tàn phá không kém trên mọi lĩnh vực - đó là “cơn bão giá”. Dễ thấy nhất là giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa nói chung ‘tăng phi mã’.
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVNTổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVN
Sau thời gian ‘lockdown lịch sử’ và những lần bị “cấm đường” vì dịch bệnh, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đối mặt với những lần tăng giá xăng dầu. Đây là một trong những mặt hàng có mức tăng kỷ lục trong năm vừa qua.
Giá xăng RON95 trong nước ngày 11/1 là 16.930 đồng/lít và xăng E5 là 15.940 đồng/lít. Đến 10/11, giá xăng RON95 đã lên tới 24.990 đồng/lít (tăng 8.060 đồng/lít), trong khi xăng E5 ở mức 23.660 đồng/lít (tăng 7.720 đồng/lít).
Giá xăng tuy đã có giảm sau những lần điều chỉnh gần đây nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 22.080 đồng/lít với xăng E5 và 22.800 đồng/lít với xăng RON95-III.
Từ đầu năm 2021, tại Việt Nam đã có 9 lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ gas (trong các tháng 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 và 11) và 2 lần điều chỉnh giảm (tháng 4 và 5). Tổng mức tăng giá gas là hơn 100.000 đồng/bình 12 kg so với thời điểm cuối năm 2020. Chỉ đến đầu tháng 12, giá gas mới giảm được 24.000-24.500 đồng/bình 12 kg.
Các nhà thầu “kêu trời” trước đà tăng phi mã của giá thép. Đến phiên mình, doanh nghiệp thép lại “tối mặt” bởi giá quặng leo thang. Theo đó, từ tháng 12/2020, giá thép bất ngờ tăng vọt cho đến tháng 6/2021 vì biến động giá nguyên liệu đầu vào. Tháng 5/2021, giá phôi thép ở mức 15.278.360 đồng/tấn, tăng 62% so với giá tháng 2/2020 (9.433.697 đồng/tấn) và tăng 41% so với tháng 12/2020 (10.800.000 đồng/tấn). Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng HRC tháng 5/2021 ở mức 17,5 triệu đồng/tấn, tăng 94% so với giá tháng 2/2020 (9 triệu đồng) và tăng 48% so với tháng 12/2020 (11,8 triệu đồng).
Trong nông nghiệp, giá các mặt hàng phân bón cây trồng cũng tăng liên tục. Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dao động từ 2,38-49%. Giá thức ăn hỗn hợp cho gà tăng gần 28-30%, giá thức ăn cho lợn tăng 32%.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, những cơn “sốt đất” trên khắp cả nước đã dập tắt giấc mơ về chốn an cư lạc nghiệp của bao người.
Sức mua thấp năm 2021, áp lực lạm phát lớn cho năm 2022
Vượt qua ‘cơn lốc xoáy’ Covid-19, bước qua năm 2022 được dự báo cũng còn không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, sức ép lạm phát năm tới sẽ còn cao.
Trên thực tế, nhìn lại năm qua, sức mua thấp kỷ lục ở Việt Nam dù hàng hóa và nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt thì sức mua của người người tiêu dùng lại giảm sâu kỷ lục, khiến cho nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã khó càng thêm khó.
Thống kê cho thấy, trước khi Covid-19 xuất hiện, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng luôn tăng trên 10%. Sang đến 2021, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).
Cũng chính vì lý do này mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất thấp dù giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt. Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, dự kiến CPI năm 2021 chỉ tăng 1,9%.
Các chuyên gia đã thảo luận, bàn bạc nhiều giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế. Một trong các giải pháp được đưa ra là áp dụng các biện pháp kích cầu nhưng xung quanh đó vẫn còn nhiều lo ngại.
Chiều 11/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về gói kích thích phục hồi kinh tế đang được xây dựng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần rút kinh nghiệm những gì được và chưa được của gói kích cầu đầu tư những năm 2008-2009, từ đó phát huy điểm tích cực, hạn chế điểm tiêu cực của giải pháp này.
Theo ông Dũng, dù gói kích cầu kinh tế năm 2009 đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đạt mức tăng trưởng dương khi đó, nhưng cũng để lại những hệ lụy lớn do chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, với sự giám sát kỹ lưỡng. Đến năm 2010, lạm phát của Việt Nam ở mức 9,2% còn năm 2011 là 18,6%.
“Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản. Hậu quả là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Theo ông, nếu ‘kích cầu’ đúng và trúng, hướng dòng tiền chảy vào khu vực sản xuất thay vì vào các thị trường nặng tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản là rất tốt. Còn không, nếu không kiểm soát tốt, lạm phát tăng cao là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển liên tục tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đó là nhờ sự chỉ đạo sát của Chính phủ cũng như các giải pháp đồng bộ để vừa phòng chống Covid-19, vừa nỗ lực bình ổn giá cả thị trường.
Tuy vậy, bà Hương thừa nhận trong cuộc chia sẻ với TTXVN rằng, bước qua năm 2022, áo lực lạm phát sẽ rất lớn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như: xăng dầu, than và giá cước vận chuyển.
“Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát”, chuyên gia phân tích.
Cùng với đó, theo Tổng Cục trưởng Hương, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng. Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học này (2021-2022).
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính, đánh giá với Thời báo Tài chính gần đây rằng, lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng trong nước. Việc vẫn đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra – kiểm soát lạm phát dưới 4%, theo chuyên gia, đây là “thành công”, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đời sống xã hội của người dân.
PGS.TS Long cũng nhận định, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Vì sao năm 2022 lạm phát có thể tăng?
Lý giải về nguyên nhân, ông Long cho biết, cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố như kinh tế thế giới đã và đang dần phục hồi. Giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử.
“Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. Nhập khẩu lạm phát được dự đoán sẽ tăng cao, khi các đối tác thương mại lớn có mức lạm phát cao kỷ lục trong mấy chục năm tiếp tục tăng các gói kích cầu lớn cùng với sự phức tạp của đại dịch. Do đó, trong điều hành chính sách tiền tệ cần có kịch bản theo hướng thắt chặt trong điều kiện cần phải kiểm soát lạm phát”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Cùng với đó, khi kinh tế phục hồi, theo chuyên gia, dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
“Các gói “kích thích”, “kích cầu” lớn theo đề xuất và được quyết định, cùng với phương thức “kích thích”, “kích cầu” thì càng phải cẩn trọng, bởi quy mô rất lớn, khi cấp bù lãi suất sẽ kéo theo một lượng tín dụng “khủng” ra thị trường, trong khi tỷ lệ này/GDP đã rất cao”, chuyên gia cảnh báo.
Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, khi lạm phát cao lên, thì thường vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên, làm cho lượng tiền tệ tăng kép.
“Với sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường, sẽ có một lượng tiền lớn đang bị “chôn” vào các kênh bất động sản, chứng khoán... sẽ chuyển sang và gây sức ép đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng”, PGS.TS Long phân tích.
Ngoài ra, khi đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023, theo ông Long, đây cũng là một trong những tác nhân gây tăng cung tiền và gia tăng lạm phát trong 2 năm này và thậm chí là cả các năm tiếp theo.
“Tăng trưởng mạnh của thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số có thể lan tỏa đà tăng giá sang thị trường hàng hóa bởi kỳ vọng chi tiêu, tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng”, chuyên gia nói.
PGS.TS Ngô Trí Long dự báo CPI năm 2022 sẽ rơi vào mức 3,4-3,7%. Theo đó, áp lực lạm phát cầu kéo tăng lên khi đà phục hồi kinh tế, kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng, thậm chí còn có hiện tượng “chi tiêu bù” - bù đắp những lúc giãn cách xã hội không được giải trí, chi tiêu trước đó. Đồng thời, lạm phát chi phí đẩy cũng chịu áp lực tăng lên trong năm 2022 ngay cả khi phục hồi còn chậm. Khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, y tế, giáo dục cũng có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam.
Trong trường hợp tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội (khả năng thấp), gây gián đoạn lưu thông hàng hóa, thiếu hụt cục bộ, khan hiếm, mất cân đối cung cầu lao động khiến một số doanh nghiệp phải tăng lương, phúc lợi cho nhân viên cũng sẽ gây nên rủi ro lạm phát.
Làm gì để ngăn đà tăng giá, giảm rủi ro lạm phát cao?
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, năm 2022, sẽ có một số đề xuất trình Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó, cần đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.
Các cơ quan ban ngành của Việt Nam cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.
Theo bà Hương, giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên.
“Bên cạnh đó, phải hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát (năm 2022)”, chuyên gia lưu ý.
Cũng có quan điểm tương đồng, PGS.TS Ngô Trí Long còn đề xuất, cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào – ra, điều tiết giá cả.
Cùng với việc theo sát diễn biến thị trường cung cầu, nhất là dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Âm lịch tránh tình trạng biến động đột ngột khi gián đạn nguồn cung, chuyên gia cho rằng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và bán đúng giá với hàng hóa thiết yếu, dịch vụ giao thông vận tải nhất là trong 2 đợt lễ lớn Tết Dương lịch – Tết Âm lịch.
Ngoài ra, phải tăng cường truyền thông về lạm phát, biến động giá cả, ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân nhằm tránh việc tích trữ hàng, gây sốt giá ảo, giảm kỳ vọng lạm phát, đẩy mạnh kiểm tra, nhằm giảm việc “té nước theo mưa”. Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, gói kích cầu và cung, từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao.
“Trong phòng chống dịch bệnh, luôn đảm bảo lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có”, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%, rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. Dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4 - 3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.
“Tuy nhiên, với vị thế chủ động và những yếu tố chính để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý chúng ta còn dư địa để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý người dân để hỗ trợ kiểm soát lạm phát”, ông Long khẳng định.