Mới nhất, hôm 17/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Khó khăn trong xử lý ngân hàng yếu kém
Trong khi đó, hôm qua, tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Chính phủ quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; tích cực xử lý các TCTD yếu kém.
Kết quả trong 8 tháng qua đã xử lý được hơn 188.500 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,7% (nếu không bao gồm 5 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,99%).
Đối với vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội lưu ý, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao.
“Việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn”, - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết, trở ngại lớn là tìm kiếm đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc kéo dài vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các đơn vị này.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Dong A Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Việc phối hợp tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý ngân hàng yếu kém phức tạp chưa có tiền lệ.
Như các báo cáo trước, nhà điều hành cũng dẫn nguyên nhân thực trạng năng lực một số cán bộ công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém”.
NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.
Đồng thời,tập trung xây dựng phê duyệt triển khai các đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới.
Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng
Như đã biết, việc cuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; NHNN đã phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, ngày 17/10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận chuyển giao CBBank, còn Ngân hàng Quân đội (MB) nhận OceanBank.
Oceanbank và CBBank là hai ngân hàng cùng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Cả Vietcombank, MB đều là ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VCB, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, có 2 ngân hàng khác là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai.