Những trang sử vàng

Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: kiến thức và kinh nghiệm góp phần làm nên chiến thắng

Trong loạt bài mạn đàm “Những trang sử vàng”, Sputnik tiếp tục câu chuyện về sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đến hỗ trợ Hà Nội trong cuộc không chiến của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sputnik
Cụm từ “tình anh em chiến đấu” thường được sử dụng để mô tả mối quan hệ giữa các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đến hỗ trợ Hà Nội trong cuộc không chiến của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó thực sự là một tình anh em. Tuy nhiên, những điều kỳ lạ thỉnh thoảng xảy ra ở cấp cơ quan chỉ huy của Việt Nam, một số điều chúng tôi đã thảo luận trong những bài mạn đàm trước.
Đôi khi các chuyên gia Liên Xô phải đối mặt với những sáng kiến ​​vô căn cứ từ phía Việt Nam. Ví dụ, vào mùa hè năm 1967, một vị tướng của Không quân Việt Nam DCCH đã thông báo cho người đứng đầu nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô rằng một số phi công Việt Nam được đào tạo tại Trường hàng không Krasnodar ở Liên Xô đã quyết định thực hiện một phi vụ kamikaze. Họ lên kế hoạch chất thuốc nổ lên các máy bay ném bom IL-28 mà Liên Xô đã gửi tới Hà Nội, bay đến tàu sân bay Mỹ mà những chiếc máy bay của tàu cất cánh liên tiếp để ném bom miền Bắc, rồi đâm trúng và cho nổ tung chiếc tàu này.
Những trang sử vàng
Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: những điều kỳ lạ của tình anh em chiến đấu
Các chuyên gia Liên Xô cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục vị tướng rằng, tàu sân bay sẽ không cho những chiếc máy bay này đến gần, chúng sẽ bị bắn hạ ngay cả trước khi vượt qua bờ biển. Nhưng, vị tướng vẫn giữ quan điểm của mình. Người đứng đầu nhóm các chuyên gia phải nhanh chóng liên hệ với Bộ Tổng tham mưu ở Matxcơva để nhận từ đó tài liệu chi tiết về khả năng chiến đấu của tàu sân bay. Tài liệu này khẳng định một cách dứt khoát: ý tưởng gửi phi công tự sát là hoàn toàn vô vọng. Vị tướng Việt Nam đã phải đồng ý với điều này.
Nhưng ngay sau đó, phía Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến khác: đánh chìm ít nhất các khu trục hạm hộ tống tàu sân bay Mỹ đang gây thiệt hại khá lớn cho các khu vực ven biển. Việc thực hiện sáng kiến này được đề xuất như sau: di chuyển một hệ thống tên lửa phòng không đến bờ biển, sau đó thực hiện cuộc tấn công vào ban đêm để bắn trúng các tàu khu trục bằng chính các tên lửa được sử dụng để bắn hạ máy bay Mỹ. Một lần nữa, theo ý kiến ​​​​của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đây là một sáng kiến không thể thực hiện được. Nhưng lần này họ không thuyết phục được đại diện Bộ chỉ huy Việt Nam.
Hậu quả thật là đáng buồn. Ngay cả vào ban đêm, cách xa bờ biển, chiếc máy bay trinh sát Mỹ đã phát hiện tổ hợp tên lửa đang di chuyển về phía bờ biển. Rồi vào lúc bình minh, máy bay Mỹ đã ném bom, phá hủy tổ hợp này.
Sau đó cũng có những trường hợp tương tự khi phía Việt Nam đánh giá thấp kinh nghiệm của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Tất nhiên, điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa quân đội Liên Xô và Việt Nam. Trong thời gian đó cũng có những sự việc cho thấy rằng, các chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn bị phía Việt Nam ngờ vực, thậm chí có trường hợp phía Việt Nam cung cấp thông tin sai lệch.
Ví dụ, vào cuối năm 1967, bộ chỉ huy quân sự Liên Xô tại Hà Nội đã biết rằng, trong thời gian tới sẽ có một chiến dịch tấn công mạnh mẽ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Và bất ngờ lãnh đạo nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô được mời đến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và được thông báo: có kẻ phản bội trong Bộ Tổng tham mưu. Anh ta trốn vào Sài Gòn và tiết lộ các chi tiết về chiến dịch sắp tới. Đương nhiên là chiến dịch bị hủy bỏ.
Những trang sử vàng
Ký ức sống mãi về những năm phục vụ ở Việt Nam
Các vị tướng Liên Xô bày tỏ sự thất vọng về điều đó. Họ đã báo cáo chuyện này với lãnh đạo nhà nước, đảng và quân đội Liên Xô, các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng đón thông tin này với vẻ thất vọng. Và vài ngày sau, ở miền Nam Việt Nam bắt đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của các lực lượng yêu nước với sức mạnh và quy mô chưa từng có đánh vào hầu hết các thành phố, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay và căn cứ hậu cần của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam. Thậm chí còn treo cờ giải phóng trên một số tòa nhà hành chính quan trọng nhất ở Sài Gòn.
Ban lãnh đạo Liên Xô và chỉ huy các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã thấy rõ: phía Việt Nam thiếu sự tin tưởng vào những người Liên Xô anh em. Nhưng dù nghĩ thế nào về những gì đã xảy ra, các chuyên gia Liên Xô vẫn tiếp tục thực hiện tận tâm và đầy đủ nghĩa vụ quân sự của mình, cung cấp cho lực lượng yêu nước Việt Nam mọi sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng.
Thảo luận