Long Sơn làtổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, có vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, là dự án FDI lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và top đầu cả nước.
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tạm ngưng hoạt động
Vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, Tập đoàn SCG - Công ty mẹ của SCG Chemicals, chủ đầu tư tổ hợp hóa dầu Long Sơn ở Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về việc cho ngừng hoạt động tổ hợp hoá dầu 5 tỷ đô này.
SCG nêu rõ, tổ hợp hóa lọc dầu Long Sơn (LSP) tại Việt Nam đã "tạm ngưng" hoạt động để kiểm soát chi phí hoạt động. Tập đoàn có kế hoạch tái khởi động khi các điều kiện phù hơn.
Ông Thammasak Sethaudom Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SCG cho biết quyết định này nằm trong chương trình kiểm soát giá nguyên liệu và nhu cầu đầu ra của sản phẩm trong tình hình chung kinh tế thế giới để tối đa khả năng cạnh tranh, dành cho nhà máy LSP (Việt Nam) và 2 nhà máy Map Ta Phut Olefins và Rayong Olefins ở tỉnh Rayong (Thái Lan).
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn bao gồm nhà máy thượng nguồn olefin; 3 nhà máy hạ nguồn polyolefin (HDPE, LLDPE và PP) và các hạ tầng liên quan như cụm cảng.
Trước đó, tổ hợp lọc dầu Long Sơn đã chính thức đi vào vận hành thương mại ngày 30/9, có sản lượng 74.000 tấn hạt nhựa trong giai đoạn thử nghiệm.
Tổ hợp bao gồm một nhà máy olefins quy mô lớn; ba nhà máy polyolefin, cùng với bồn bể, cảng chuyên dụng... có diện tích mặt đất là 464 ha và diện tích mặt nước là 194 ha (cho hệ thống cảng biển). Khi vận hành tối đa công suất, Tổ hợp dự kiến sẽ tạo ra 1,35 triệu tấn olefins và 1,4 triệu tấn polyolefin một năm, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và nhiều lĩnh vực khác.
Hiện, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 2,85 triệu tấn nguyên liệu polyolefin (hạt nhựa) mỗi năm. Việc đưa tổ hợp hoá dầu LSP đi vào vận hành thương mại với sản lượng 1,4 triệu tấn một năm sẽ giúp giảm nhập khẩu mặt hàng này, củng cố khả năng tự cung trong nước và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Trước tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu suy giảm, LSP đã đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động thương mại và sẽ tái khởi động sản xuất khi thị trường phục hồi.
Thách thức
Trong 9 tháng năm 2024, SCG tại Việt Nam tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu từ hóa dầu SCG Chemicals (SCGC).
Tuy nhiên, trong quý 3/2024, nếu không tính khoản thu tài chính không định kỳ từ việc kết thúc hoán đổi lãi suất (IRS) tại LSP trị giá 1.560 tỷ đồng (tương đương 61,5 triệu USD), SCGC ghi nhận lỗ ròng khoảng 2.630 tỷ đồng (tương đương 105 triệu USD), do ảnh hưởng tỷ giá hối đoái từ việc đồng baht tăng giá và giảm thu nhập vốn chủ sở hữu từ các công ty liên kết.
Riêng hóa dầu Long Sơn ghi nhận lỗ ròng quý 3 khoảng 1.560 tỷ đồng (tương đương 62,9 triệu USD), chủ yếu chi các khoản chi phí cố định cho việc vận hành sản xuất hạ nguồn, khấu hao và lãi suất.
Vào quý 4 năm nay, các chi phí cố định từ hoạt động thượng nguồn sẽ được ghi nhận sau khi hoạt động thương mại đi vào ổn định.
Theo chiến lược dài hạn, SCG cho biết đang đẩy mạnh tính linh hoạt trong hoạt động sản xuất hóa dầu tại Việt Nam thông qua khoản đầu tư bổ sung 17.500 tỷ đồng (tương đương 700 triệu USD) nhằm triển khai dự án tăng cường nguyên liệu khí ethane, giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào.
Việc này hiện vẫn đang chờ ý kiến của các cơ quan Việt Nam và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.
SCG nêu rõ, ethane sẽ được nhập khẩu từ Mỹ làm nguyên liệu cho tổ hợp hóa dầu Long Sơn và quá trình này có lợi ở việc giảm giá nguyên liệu đầu vào, khả năng linh hoạt trong hoạt động, và giảm lượng khí thải carbon.
SCG khẳng định quy trình sản xuất olefin của tổ hợp hóa dầu Long Sơn vốn đã có phương án linh hoạt sử dụng các loại khí làm nguyên liệu. Phần lớn của khoản đầu tư 700 triệu USD sẽ dành cho việc xử lý và lưu trữ ethane làm nguyên liệu, với yêu cầu chính là cần được bảo quản ở âm (-) 90 độ C. Khi hoàn thiện, ethane sẽ chiếm 2/3 nguyên liệu của tổ hợp hóa dầu Long Sơn và phần còn lại là propane và naphtha.
Động thái này giúp tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp hóa dầu toàn cầu, cũng như góp phần giảm phát thải CO2 trong quy trình sản xuất.
SCG cũng tăng cường phát triển và xuất khẩu các dòng sản phẩm xi măng carbon thấp giá trị cao cùng các loại polymer thân thiện với môi trường.
SCG dự báo doanh thu năm 2024 sẽ tăng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, trước biến động của tình hình kinh tế toàn cầu, suy thoái trong ngành hóa dầu, xung đột tại Trung Đông và sự cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường nội địa; biến động của đồng baht Thái thì SCG thừa nhận, những thách thức này đang tác động đến hoạt động kinh doanh và có khả năng tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Có thể thấy, việc Long Sơn và Công ty mẹ SCG đang hướng việc cạnh tranh trong dài hạn bằng việc đầu tư và nâng cấp tổ hợp hóa dầu Long Sơn sử dụng khí ethane nhập khẩu từ Mỹ là phù hợp.
Với khoản đầu tư thêm vào khoảng 700 triệu USD này, các ông chủ của lọc hóa dầu Long Sơn tính toán khoản đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào tại tổ hợp tại Việt Nam.