Mong muốn chính đáng của TPHCM
21:07, 5 Tháng Mười Một 2024
Thành phố Hồ Chí Minh muốn tiếp tục giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau năm 2025.
SputnikViệc được giữ lại ít nhất 21% nguồn thu ngân sách theo chính quyền thành phố là phù hợp với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM.
Đề xuất được giữ lại ít nhất 21% ngân sách đến hết năm 2025
UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết Đề án điều chỉnh
tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030.
Trong đó, thành phố đề xuất việc tiếp tục được giữ lại 21% ngân sách đến hết năm 2025 và giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.
Thực tế, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM có xu hướng giảm đáng kể. Tỷ lệ này đã giảm từ 33% vào năm 2000 xuống còn 23% trong giai đoạn 2011-2016, rồi tiếp tục giảm xuống 18% giai đoạn 2017-2021.
Đến giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ điều tiết tăng lên mức 21% sau nhiều nỗ lực đề xuất của thành phố. Tuy nhiên, dù TPHCM từng kiến nghị giữ tỷ lệ này ở mức tối thiểu 23%, nhưng chỉ được chấp thuận 21%.
Theo Nghị quyết 70, có 18/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương, tức được giữ lại một phần thu được. Trong đó TP.HCM là địa phương có tỷ lệ giữ lại thấp nhất với 21% dù có tỷ lệ đóng góp
ngân sách cao nhất.
Nhắc lại việc từ năm 2022 đến hết năm 2025, tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố là 21% (đã tăng 3% so với tỷ lệ 18% của giai đoạn 2017- 2021) và tiếp tục được giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo như chủ trương tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022, thành phố cho biết, kết quả này đã góp phần tạo điều kiện để thành phố có thêm nguồn lực ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
“Với vai trò là thành viên tham gia Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất để giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo để tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị”, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ bảo đảm chi ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm và theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Trong đó chú trọng triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các
nhiệm vụ cấp bách khác.
Đóng góp nhiều ngân sách nhất cả nước
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố luôn giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng.
Năng suất lao động của thành phố cũng cao hơn bình quân cả nước trên 2,8 lần. TPHCM cũng tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước với mức khoảng 23% GDP quốc gia.
Với lợi thế là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là đầu tàu, động lực kinh tế, có sức lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố đóng góp hằng năm 27% thu ngân sách cả nước và có số thu ngân sách chuyển về Trung ương cao nhất cả nước...
Thành phố khẳng định tiếp tục tăng cường quản lý thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, để sử dụng hiệu quả nguồn thu ngân sách địa phương nói chung và thu từ việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nói riêng, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Thành phố cũng tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh
triển khai các dự án trọng điểm; chỉ đạo rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, chậm tiến độ…
Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2011-2020, GRDP của thành phố tăng trung bình 6,86% mỗi năm. Đến năm 2020, kinh tế TPHCM chiếm 25,79% quy mô kinh tế quốc gia, với mật độ kinh tế gấp 41,49 lần so với trung bình cả nước.
Mặc dù giai đoạn 2016-2019 chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế TPHCM trong hai năm 2020 và 2021.
TPHCM đang nỗ lực phục hồi và duy trì tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Năm nay, Trung ương giao tổng thu ngân sách cho TPHCM là 482.851 tỷ đồng. Đến hết tháng 10, TPHCM thu được hơn 408.000 tỷ đồng (đạt 84,6%), tăng 10% so với cùng kỳ.