Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trước hết cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật.
Trong đó, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước.
Ngoài ra, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, một tỉnh làm được 2.000km đường cao tốc trong 3 năm.
"Khi hỏi lý do có thể làm được khối lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, họ cho biết là phân cấp mạnh cho địa phương, dám vay và lập các công ty nhà nước để làm các dự án hạ tầng giao thông. Sau khi đầu tư xong thì chuyển cho tư nhân khai thác, thu hồi vốn…", ông kể.
Ông nhấn mạnh nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm, nên cần phân cấp mạnh hơn.
"Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin - cho, quyền anh quyền tôi và đùn đẩy, né tránh", ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh nội dung sửa luật lần này là vấn đề cốt lõi, vướng mắc trong thực tiễn cần điều chỉnh ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ luật hiện hành trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trên thực tế, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ đã rất cẩn thận lấy ý kiến lại của 63 địa phương và cả 63 địa phương đều nhất trí 100%.
Tuy nhiên, ông nêu rõ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến này để cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem có phân cấp cho UBND không hay giữ nguyên như hiện hành, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.