Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nóng lòng muốn đơn giản hoá thủ tục cho nhà đầu tư ngành bán dẫn

Cuộc canh tranh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn tại khu vực Đông Nam Á đang nóng hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng cắt giảm tối đa thủ tục. Giảm thời gian, giảm chi phí, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Sputnik

Nhân lực là yếu tố “đột phá của đột phá”

Công nghiệp bán dẫn hiện nay đang trở thành ngành công nghiệp hết sức quan trọng đối với các quốc gia hiện nay. Các quốc gia đang cải cách, cạnh tranh nhau rất quyết liệt để nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp này.
Sớm nhận thức vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hai vấn đề. Thứ nhất, xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thứ hai, phát triển được hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam, tập trung xây dựng chính sách, môi trường đầu tư làm sao hấp dẫn thuận lợi, tạo môi trường tốt nhất.

“Việt Nam xác định nguồn nhân lực là vấn đề then chốt và đột phá của đột phá. Việt Nam đang có lợi thế về yếu tố này. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực. Việt Nam có khoảng hơn 50% dân số dưới 30 tuổi, rất thông minh, giỏi toán, thích học STEM. Mỗi năm, Việt Nam đang đào tạo khoảng 8 triệu sinh viên từ ĐH, cao đẳng ra trường. Đây là lực lượng rất dồi dào. Các nước hiện nay đang thua kém Việt Nam - chính ở nhân lực”, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT trả lời Sputnik bên lề triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn 2024 SEMI Expo 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng
Trước mắt đến năm 2030, Việt Nam phải tham gia làm Trung tâm công nghiệp bán dẫn, chúng ta phải có 50.000 kỹ sư cấp đại học trở lên, khoảng 1.300 giáo viên chuyên sâu trong ngành này. Đó là tầm nhìn cũng là mục tiêu rất lớn.
FPT giới thiệu chương trình đào tạo thiết kế vi mạch cho sinh viên
Với mục tiêu này, các trường ĐH có vai trò hết sức quan trọng. ĐH Việt Nam trở thành trung tâm kết nối về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, trao đổi với Sputnik, Thiếu tướng, GS. TS. Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, trường đã có công tác chuẩn bị từ xây dựng chương trình đào tạo đến trang thiết bị cho phòng thí nghiệm liên quan đến vật liệu bán dẫn, kỹ thuật điện tử, khoa học máy tính.
“Đây là ngành công nghệ cao mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, trong việc nghiên cứu, sản xuất, đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm việc này, cần có kết nối trong các trường ĐH với DN công nghệ cao, đặc biệt DN nước ngoài. Mô hình đang triển khai hiện nay là Trường ĐH - Trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC) - DN nước ngoài. Chúng tôi rất mong muốn NIC đẩy mạnh kết nối các trường ĐH Việt Nam với các DN nước ngoài, để các trường được tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu sản xuất vi mạch bán dẫn”, PGĐ Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ.

Cắt giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong khu vực Đông Nam Á, nếu như Indonesia đang tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn; Thái Lan đầu tư mạnh vào sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử; trong khi Malaysia tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng bán dẫn hoặc Philippines đang phát triển sản xuất và gia công bán dẫn; thì Việt Nam - tuy là nước đi sau - nhưng đang tận dụng lợi thế có sẵn để nắm bắt cơ hội này để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao đến. Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đại diện Tập đoàn công nghệ Amkor trao đổi với đối tác Việt Nam tại SEMI Expo Vietnam 2024
Việt Nam đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện với các nước hàng đầu về ngành bán dẫn (Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu). Với ưu thế vượt trội về ổn định chính trị, nền kinh tế phát triển bền vững và nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động cùng đam mê sáng tạo, đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn.

“Nằm trong hệ thống chính trị ổn định, có cam kết của người đứng đầu đất nước. Các nhà đầu tư khi đến Việt Nam, họ mong muốn tất cả mọi thứ phải Rõ - Nhanh. Vào là phải làm được ngay, không thể làm thủ tục mất mấy năm. Họ không thể chờ chúng ta. Thời gian là yếu tố cốt lõi, rất quan trọng. Chậm trễ là mất cơ hội. Chủ trương Việt Nam hiện nay là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thay đổi nhanh từ duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây là tư duy quan trọng. Mục tiêu là làm sao cho thuận lợi, cắt giảm tối đa thủ tục. Giảm thời gian, giảm chi phí”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chính sách mới để phát triển các ngành công nghệ cao. Cụ thể, các dự án công nghệ cao như bán dẫn không phải xin giấy phép đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư với ban quản lý KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
“Trong vòng 15 ngày sẽ cấp đăng ký đầu tư nhanh. Khi được cấp rồi, các DN này chỉ cần cam kết thực hiện các vấn đề liên quan đến Xây dựng, đến Môi trường, đến Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đây là 3 thủ tục còn rườm rà, mất thời gian. Lần này sẽ cho phép chuyển từ hậu kiểm sang tiền kiểm. Tức, các nhà đầu tư không cần xin phép mà chỉ cần đáp ứng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Điều này sẽ rút ngắn thời gian, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Bởi bây giờ là cuộc cạnh tranh. Không làm nhanh, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang nước khác”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Dũng dẫn chứng thêm câu chuyện về tốc độ phát triển hạ tầng nhanh chóng tại Trung Quốc. Bộ trưởng đặt câu hỏi, tại sao bên Trung Quốc xây dựng nhà máy ô tô Tesla - từ khi khởi công cho đến lúc khánh thành đưa vào hoạt động - chỉ mất 11 tháng? Một trung tâm thương mại làm hết 68 ngày.

“Tại sao họ làm nhanh được? Lần này tại Việt Nam cũng vậy, nếu các nhà đầu tư vào Việt Nam phải xin phép đầu tư, xin phép xây dựng, xin phép PCCC,... Thủ tục rất nhiều, rất mất thời gian. Từ đó mất hết cơ hội. Trong thực tiễn, ngoài nguồn nhân lực, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều quan tâm hai vấn đề sau: Chính sách gì - Môi trường gì? Hạ tầng có đủ, sẵn sàng đáp ứng không? Bộ trưởng cho hay, Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian để trả lời những câu hỏi này”, ông Dũng trăn trở.

Nói đi đôi với làm, Việt Nam đang thiết kế giải pháp theo hướng mà Bộ trưởng vừa nêu. Ví dụ, các KCN hiện đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay tuần sau, chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt trên cả nước Chương trình đào tạo bán dẫn.
Đến nay Việt Nam đã có khoảng 50 nhà đầu tư hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Có thể kể đến như Amkor, Intel, Samsung… hay các công ty về kiểm thử đóng gói hoặc công ty sản xuất gần như đã có mặt tại Việt Nam. Những công ty lớn khác như Nvidia cũng sắp có mặt tại Việt Nam.
Gian hàng trưng bày của Tập đoàn công nghệ Amkor tại SEMI Expo Vietnam 2024
Điều này cho thấy, Việt Nam đã và đang hình thành một hệ sinh thái. Từ công đoạn về nghiên cứu phát triển, đến thiết kế, kiểm thử, đóng gói và cuối cùng là công đoạn sản xuất. Việt Nam đang cho thấy chiến lược rõ ràng, bài bản, mục tiêu cụ thể. Và vẫn xác định nguồn nhân lực và lợi thế của mình.

Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho ngành công nghệ cao

Chính sách thứ hai cũng đã được Chính phủ đề xuất là thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho ngành công nghệ cao. Quỹ đầu tư này không chỉ dùng vốn trung ương mà các địa phương cũng được dùng ngân sách của mình để thành lập quỹ hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao theo chính sách riêng của địa phương.
Các mẫu Chip của Tập đoàn công nghệ Amkor được giới thiệu tại SEMI Expo Vietnam 2024
Cam kết Chính phủ đã có. Chính sách đang được cải thiện nhanh chóng. Môi trường đầu tư hấp dẫn. Nguồn nhân lực đầy đủ, hạ tầng tốt. Đã có hệ sinh thái hình thành. Tất cả yếu tố này sẽ thúc đẩy ngành bán dẫn.
“Việt Nam đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất về hạ tầng. Cụ thể, Việt Nam đang cố gắng làm nhanh các KCN, khu chế xuất, làm sao để có mặt bằng thuận lợi, hạ tầng đầy đủ. Đặc biệt, chú trọng hai vấn đề: Năng lượng (phải là năng lượng tái tạo) và Nước (rất quan trọng với ngành bán dẫn). Từng bước, từng bước Việt Nam sẽ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng ngành bán dẫn. Nhưng trước mắt, Việt Nam sẽ tham gia ngay ở công đoạn thiết kế, đóng gói kiểm thử. Sau dần, chúng ta sẽ vươn lên cao hơn - tham gia vào khâu sản xuất. Đó là lộ trình, bước đi của Việt Nam để hình thành ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT kết luận.
Thảo luận