Chia sẻ với các lưu học sinh và cộng đồng người Việt, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn, chia sẻ những tình cảm của cộng đồng dành cho đoàn công tác.
Nhắc lại lịch sử đất nước, ông cho biết từ những năm chiến tranh khốc liệt, đất nước giành độc lập dân tộc và bước vào công cuộc đổi mới kinh tế. Từ thế bao vây cấm vận, Việt Nam tiến tới hội nhập sâu rộng.
“Trước đi đâu cũng khó khăn, nhưng giờ đi đâu chúng ta cũng được kính trọng vì thế và lực của đất nước, sự vươn lên và trỗi dậy mạnh mẽ của dân tộc. Từ nền kinh tế chỉ có 4 tỉ USD, chúng tôi thời sinh viên chỉ có mì mốc và ăn bo bo, nhưng giờ đất nước đổi mới, phát triển với quy mô nền kinh tế 430 tỉ USD, đứng thứ 34 thế giới”, ông cho biết.
Nhấn mạnh điều này, theo Thủ tướng, để thấy sự vươn lên trỗi dậy của dân tộc. Đất nước chuẩn bị bước vào Đại hội thứ XIV để bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đến nay nước ta có quan hệ với 193 nước và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước trong G20 - là những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Kết quả đạt được, theo Thủ tướng, Việt Nam tự lực tự cường, đi lên từ sức mạnh nội sinh và ngày càng khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng. Nhiều tổ chức như G20, BRICS đã mời Việt Nam tham dự để thấy vị thế của đất nước ngày càng lớn hơn.
Từ những kết quả trên, Thủ tướng nhấn mạnh bài học đó là cần phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đi vào dòng chảy của thời cuộc, thời đại đó là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Với hơn 6 triệu người Việt đang học tập, sinh sống ở nhiều nước, nhiều kiều bào đã đóng góp đầu tư, chuyển kiều hối về đất nước. Vì vậy, ông mong muốn cộng đồng phát huy tính đoàn kết, các em sinh viên học tập tốt với hoài bão, ước mơ, lý tưởng khát vọng, tự lực tự cường vươn lên để làm chủ công nghệ và cuộc sống.
Tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết hiện có 400 lưu học sinh và gần 600 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, kinh doanh tại thành phố Trùng Khánh, chiếm 25% tổng số người Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại khu vực phía Tây Trung Quốc.
Những năm qua, lưu học sinh, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh luôn tuân thủ tốt pháp luật sở tại; luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; luôn hướng về quê hương, đất nước và vun đắp quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Trung Quốc.
Đại diện lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh cho biết mặc dù luôn có ý thức gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam ở sở tại, song do hạn chế về điều kiện, việc giữ gìn văn hóa Việt, nhất là ngôn ngữ tiếng Việt trong kiều bào trẻ còn hạn chế; cũng do hạn chế về ngôn ngữ, hiểu biết pháp luật, thủ tục hành chính nên hoạt động thu hút đầu tư, kinh doanh, thương mại chưa như mong muốn.
Bà con đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh thực hiện các thủ tục, pháp lý trong quá trình sinh sống, làm việc, học tập; tiếp tục đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện, cấp thêm học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu tại Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung.