Cụ thể, ACV cho biết trong khi triển khai dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, đơn vị tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí dự phòng và công tác đấu thầu.
Từ nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3, ACV đề xuất tiếp tục đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 của sân bay Long Thành ngay giai đoạn 1, với kinh phí từ nguồn tiết kiệm của ACV.
Thêm đường băng số 3 sân bay Long Thành
Ngày 12/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 với quy mô đầu tư 100 triệu hành khách/năm, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Về quy mô đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư “Đường cất hạ cánh số 1” ở khu vực phía Bắc của sân bay. Trường hợp Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác nếu/do xảy ra sự cố trên “Đường cất hạ cánh số 1” thì Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3” cách “Đường cất hạ cánh số 1” đang đầu tư 400 m về phía Bắc ngay trong giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích,” Bộ trưởng cho biết.
Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất quy hoạch phục vụ 50 triệu khách/năm, hiện đã khai thác 41 triệu hành khách/năm. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu khách tại TP Hồ Chí Minh và khu vực các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu khách/năm.
Trường hợp “Đường cất hạ cánh số 1” của sân bay Long Thành gặp sự cố thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải chia sẻ, dẫn tới quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3” sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khi “Đường cất hạ cánh số 1” xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất.
Cũng theo Bộ trưởng, việc đầu tư ngay “Đường cất hạ cánh số 3” trong giai đoạn 1 sẽ không làm gián đoạn khai thác của sân bay Long Thành.
“Hiện nay, ‘Đường cất hạ cánh số 3’ đã được san gạt đến cao độ thiết kế, chi phí đầu tư hoàn thiện thấp, chỉ khoảng 3.304 tỷ đồng và không vượt mức đầu tư của dự án thành phần 3 là 99.019 tỷ đồng nhưng vẫn góp phần tăng năng lực và hiệu quả khai thác của sân bay,” Bộ trưởng Giao thông vận tải nói.
Ông cho biết có nhiều thuận lợi khi làm “Đường cất hạ cánh số 3” như: phù hợp quy hoạch; đã giải phóng mặt bằng; đã san gạt nền đến độ cao thiết kế; tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; đã thu xếp được nguồn vốn…
Bộ trưởng cho biết, tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư “Đường cất hạ cánh số 3” khoảng 24 tháng, sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.