Thời cơ để Việt Nam quay lại điện hạt nhân đã đến

Theo Bộ Công Thương, với lộ trình từ 5 - 10 năm tới, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần được khởi động ngay, nếu không đến năm 2045 có thể sẽ không kịp.
Sputnik
Mặc dù việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đang được Bộ Công Thương xem xét một cách nghiêm túc, nhưng các bước tiếp theo sẽ phải thực hiện hết sức thận trọng, đặc biệt, mọi dự án phát triển điện hạt nhân đều phải được Quốc hội chấp thuận.

Khởi động lại điện hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách

Bộ Công Thương vừa trình Quốc hội về việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, coi đây là giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện ổn định.
Trong đó, Bộ đánh giá, nguồn điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững.
“Điện hạt nhân không chỉ cung cấp lượng điện lớn, ổn định, mà còn là nguồn năng lượng xanh, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu khí thải carbon trong bối cảnh nhu cầu về điện ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió đã phát triển mạnh mẽ, nhưng các nguồn này vẫn còn gặp phải hạn chế về tính ổn định và khả năng cung cấp điện vào những thời điểm nhu cầu cao”, Bộ cho biết.
Bao giờ Việt Nam tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân?
Do đó, theo Bộ Công Thương, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.
Trình bày tại báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương nêu quan điểm, cần thiết triển khai dự án điện hạt nhân cũng như yêu cầu cấp bách phải trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp.
Bộ Công Thương cho biết, theo quy hoạch điện 8, đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt khoảng 150.000MW.
Đất nước cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn cung sang các nguồn điện sạch, ít phát thải để đạt mục tiêu Net Zero.
Tính trung bình từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần đưa trên 10.000MW nguồn điện mới vào vận hành, cùng hệ thống đường dây đấu nối, truyền tải điện...
Do đó, Bộ Công Thương đánh giá, cấp bách cần phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ, đủ tầm mới thu hút đầu tư nguồn điện, đặc biệt là nguồn năng lượng mới.
Bộ Công Thương cho hay dự án điện khí trung bình cần 7-8 năm, dự án điện hạt nhân còn đòi hỏi thời gian dài hơn nữa.
“Vì vậy, nếu Luật Điện lực (sửa đổi) chậm được thông qua, chúng ta không có cách nào bảo đảm an ninh năng lượng điện, chưa nói đến mục tiêu Net Zero”, Bộ nêu quan điểm.
Nơi Việt Nam định xây nhà máy điện hạt nhân: Ý kiến quan trọng
Bộ Công Thương cũng nhắc lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đã nêu ra, Hội nghị Trung ương 10 đã nhất trí khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Với lộ trình từ 5 - 10 năm tới, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần được khởi động ngay, nếu không đến năm 2045 có thể sẽ không kịp.
Do đó, chủ trương về điện hạt nhân cần được đưa vào Luật Điện lực ngay từ bây giờ và xem xét kỹ lưỡng các vấn đề như công suất điện cần thiết, vị trí bố trí, công nghệ sử dụng và cách thức đảm bảo cung cấp điện.
Việc này nhằm nghiên cứu, thảo luận và xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo sự chủ động phát triển năng lượng quốc gia.

Đảm bảo nhân lực

Về nhân lực, tại báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016-2021) ngày 2/3/2022, Bộ Công Thương thông tin, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với phía Nhật Bản về đào tạo nhân lực từ trình độ đại học trở lên cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, trong đó có đào tạo 100 sinh viên tại các trường đại học của Nhật Bản từ năm 2016.
Việt Nam: Đề xuất Nhà nước độc quyền xây nhà máy điện hạt nhân
Từ năm 2006-2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân. Năm 2013-2014, 14 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và về nước.
Báo cáo số 777 ngày 21/02/2022 của EVN, có 27/31 kỹ sư tài năng chuyên ngành điện hạt nhân làm việc cho tập đoàn này sau khi tốt nghiệp. Trong nhóm du học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo tại Liên bang Nga có cam kết làm việc cho tập đoàn, đã có 177/248 người đã được phân công công tác, 5 người đang chờ phân công, số còn lại đã hủy cam kết hoặc làm việc ở cơ quan khác.
Đối với nhóm cán bộ được đào tạo tại Nhật Bản làm nòng cốt cho Nhà máy điện hạt Ninh Thuận 2, số học viên đã tốt nghiệp là 32 người, trong đó 31 người công tác tại tập đoàn, 1 người làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nghiên cứu kỹ lưỡng

Tại Việt Nam, mọi dự án phát triển điện hạt nhân sẽ phải trình Quốc hội để được phê duyệt trước khi triển khai.
Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý, đồng thời tránh các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc phát triển loại hình năng lượng này.
Do đó, để có cơ sở thực hiện xây dựng và phát triển điện hạt nhân sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền, cần bổ sung chính sách về phát triển điện hạt nhân trong Luật Điện lực sửa đổi.
Các vấn đề như công suất điện, vị trí bố trí, công nghệ sử dụng và cách thức đảm bảo cung cấp điện sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện và triển khai thực hiện các dự án.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giật mình vì đồ Temu quá rẻ
Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Đến nay, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Vì thế các dự án điện hạt nhân sẽ phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện theo quy định Luật Năng lượng nguyên tử”.
Trong đó, các cơ chế đặc thù điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu cho từng dự án cụ thể và đề xuất trong chủ trương đầu tư dự án để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Đối với các lo ngại về việc đảm bảo an toàn, rủi ro an ninh, xử lý chất thải, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy đã được quy định cụ thể ở Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan, bao gồm cả tháo dỡ và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.
Bộ Công Thương khẳng định, kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đảm bảo cung cấp điện sẽ được Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện sau khi được cấp thẩm quyền cho phép về chủ trương.
Điện hạt nhân, với công suất lớn và khả năng vận hành liên tục, sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định và bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước mà còn có thể trở thành một thế mạnh xuất khẩu năng lượng trong tương lai.
Thảo luận