Trong đó, Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Không thao túng tiền tệ
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo bán niên về Chính sách Kinh tế Vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác Thương mại Chính của Hoa Kỳ, trong đó thể hiện Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Báo cáo này xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn với Mỹ, đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với Washington trong 4 quý vừa qua, tính đến tháng 6/2024.
Đáng chú ý, Mỹ xác định không có đối tác thương mại lớn nào có hành vi thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá nhưng Washington lại thường xuyên bày tỏ lo ngại về các hoạt động ngoại hối của Trung Quốc.
Mỹ luôn nhắm vào Trung Quốc và vẫn để Bắc Kinh trong tầm ngắm dõi vì có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và chính sách ngoại hối chưa minh bạch.
Dù cán cân tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm nhẹ xuống còn 1,2% GDP, nhưng Mỹ nhận thấy, lượng xuất khẩu của nước này đã tăng mạnh, giá xuất khẩu giảm.
Báo cáo tiền tệ của Mỹ cũng cho biết Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách theo dõi do có thặng dư thương mại 65 tỷ USD với Mỹ trong giai đoạn xem xét, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu tăng từ 2% GDP một năm trước lên 4,2% GDP dù có chính sách minh bạch nhưng BOJ lại can thiệp để bảo vệ đồng yen quá nhiều.
Tại kỳ báo cáo này, Việt Nam và 7 nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đài Loan và Đức, đều thuộc nhóm "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Có 3 tiêu chí để bị đưa vào diện phải phân tích sâu hơn về các hoạt động tiền tệ gồm thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu trên 3% GDP và mua ròng ngoại hối một chiều liên tục.
Quá trình phân tích sâu hơn này sẽ dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể là các biện pháp trừng phạt thương mại và nếu một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào "danh sách giám sát". Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo.
Thặng dư của Việt Nam với Mỹ
Thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã mở rộng đáng kể những năm gần đây chủ yếu do tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là hàng điện tử và máy móc.
Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ tới cuối tháng 6/2024 là 113 tỷ USD.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba có thặng dư với Mỹ, và thâm hụt 1,6 tỷ USD về thương mại dịch vụ song phương với Mỹ.
Về cán cân tài khoản vãng lai thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu; chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5% vào cuối tháng 6/2024.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2024 là khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% so với GDP.
Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.
Hồi tháng 6, Mỹ tiếp tục đưa ra nhận xét tích cực với chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam chỉ nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.