Những bước đi và sáng kiến quan trọng của Việt Nam tại Brazil

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Brazil lên mức đối tác chiến lược cũng là bước đột phá quan trọng để Việt Nam tiếp tục thiết lập các mối quan hệ sâu sắc hơn, rộng rãi hơn, bền vững hơn với khu vực Mỹ Latinh đầy tiềm năng; để định vị mình trong trật tự kinh tế thế giới mới, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến phù hợp tại Tuần lễ cấp cao G20 2024.
Sputnik
Theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) 2024 Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Brazil và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 16 đến ngày 19/11.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế về chuyến công tác này của Thủ tướng Việt Nam.
Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

Mở được “cánh cửa” Brazil sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Mỹ Latinh đầy tiềm năng

Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Minh Hoàng! Trước hết xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik!
Trong khuôn khổ chuyến công tác Brazil, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, ngày 17/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva. Hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam -Brazil lên Đối tác chiến lược.
Đánh giá của ông về sự kiện này như thế nào? Trước đó, Chủ tịch nước Lương Cường đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Chile và Peru. Vì sao Việt Nam lại tích cực hợp tác với các nước Mỹ La tinh trong thời điểm này như thế?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã dần xây dựng cho mình mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn và các thị trường lớn trên thế giới. ở cấp độ quốc gia, Việt Namcó hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam có 3 thị trường quan trọng là Liên minh Châu Âu, Đông Nam Á và Đông Bắc Á; cộng thêm ba thị trường khu vực nhỏ hơn là Châu Phi, Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ) và Tây Nam Á.
Trừ thị trường Mỹ, tất cả các thị trường còn lại đều nằm ở Đông bán cầu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì bên cạnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang vươn lên mạnh mẽ nhất thế giới kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, khu vực Châu Mỹ Latinh hiện đang là khu vực có nhiều tiềm năng vươn lên mạnh mẽ không kém Châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil
Tại khu vực này có 3 quốc gia có quy nền mô kinh tế lớn gồm Brazil (thứ 8 thế giới), Mexico (thứ 12 thế giới) và Argentina (thứ 29 thế giới). Ngoài ra còn có Venezuela và Colombia cũng là những thị trường tiềm năng quan trọng đối với Việt Nam. Trong đó, Brazil vừa là quốc gia lớn nhất về diện tích lãnh thổ và dân số, vừa là quốc gia “đầu tàu” về kinh tế của khu vực Mỹ Latinh; đồng thời gần như đại diện cho khu vực Mỹ Latinh trong nhóm BRICS. Do đó, mở được “cánh cửa” Brazil sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Mỹ Latinh đầy tiềm năng phát triển và có quy mô dân số tương đương với ASEAN và có quy mô kinh tế trung bình khá trên thế giới.
Chính vì vậy mà chỉ trong hơn 2 tuần vừa qua, tận dụng cơ hội lớn đến từ hai diễn đàn quan trọng mà Việt Nam là thành viên (APEC), là khách mời (G20), hai trong số bốn nguyên thủ quốc gia của Việt Nam gồm Chủ tịch nước và Thủ tướng đã có hai chuyến công tác quan trọng đến cả hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Nam Mỹ. Trong đó, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Brazil lên mức đối tác chiến lược không chỉ là điều kiện để phát triển sâu rộng quan hệ song phương giữa hai nước mà còn là bước đột phá quan trọng để Việt Nam tiếp tục thiết lập các mối quan hệ sâu sắc hơn, rộng rãi hơn, bền vững hơn tại khu vực quan trọng này.
Mặt khác, việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Brazil cũng là một bước đi quan trọng, tạo chuyển biến để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia sáng lập nhóm BRICS trong khi vẫn duy trì quan hệ với các quốc gia G7.
Multimedia
Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ở Brazil

Việt Nam và Brazil: Những không gian hợp tác

Sputnik: Theo ông, những lĩnh vực nào là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng và triển vọng nhất giữa Việt Nam và Brazil?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Với dân số khoảng 220 triệu người (đứng thứ 7 thế giới), GDP (PPP) khoảng 4.020 tỷ USD năm 2023 (thứ 8 thế giới) và thu nhập bình quân đầu người (theo PPP) là 18.686 USD/năm (thứ 87 thế giới), Brazil là đối tác thương mại hàng đầu đối với Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Do đó, hợp tác thương mại là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu với mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch song phương vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là 15 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, da giày, sắt thép… và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mì, ngô, thức ăn gia súc, bông và các nguyên liệu khác.
Lĩnh vực có triển vọng lớn thứ hai được hai bên quan tâm là đầu tư. Hiện tại Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, bán buôn, bán lẻ và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Tuy nhiên, dư địa hợp tác về đầu tư của hai nước còn rất lớn. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Brazil 2024 Thủ tướng Việt Nam và các doanh nhân hàng đầu của Brazil đều nhất trí thúc đẩy đầu tư hai chiều. Theo đó, hai bên tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng lớn như chip bán dẫn, nông nghiệp, an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi số.
Vấn đề thứ ba mà Việt Nam rất quan tâm là sự giúp đỡ của Brazil nhằm xúc tiến quá trình sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với “Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ” (“Mercado Común del Sur”). Đồng thời, Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Brazil tiến vào thị trường ASEAN. Từ đó, đặt cơ sở cho việc thiết lập quan hệ đối tác giữa hai cộng đồng ASEAN và Mercosur.
Phía Brazil cho rằng Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn trong chuỗi sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới. Vì vậy, hai bên cần thúc đẩy hợp tác, nhất là công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ đối với mỗi nước mà đối với cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới như cam kết của cả hai nước tại Liên Hợp Quốc.
Dư địa thứ năm mà hai nước cho rằng cần quan tâm hợp tác phát triển là khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm bằng việc đầu tư có chọn lọc vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp của hai nước.
Tổng thống Brazil Lula da Silva mời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự G20

Việt Nam đưa ra các sáng kiến phù hợp tại Tuần lễ cấp cao G20 2024

Sputnik: Khác với APEC - một diễn đàn kinh tế cấp độ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, G20 là một diễn đàn có tính bao trùm toàn cầu với 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu (EU). Diễn đàn này không chỉ quy tụ các nguyên thủ của 19 quốc gia và lãnh đạo EU mà còn là nơi quy tụ của các thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia và Ngân hàng TW Châu Âu (EU). Điều này cho thấy vai trò nổi bật của các lĩnh vực đầu tư, tài chính và tiền tệ trong hoạt động của G20. Là khách mời, Việt Nam đã thể hiện mình và có đóng góp gì tại Tuần lễ cấp cao G20 năm nay?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Nhìn vào thành phần của G20, chúng ta thấy nổi lên 2 nhóm lớn đang có vai trò chi phối đối với nền kinh tế toàn cầu:
Đó là G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada
Đó là BRICS gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và mới đây là Arabia Saudi. Ngoài ra, còn có các thành viên tiềm năng của BRICS như Indonesiavà Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình huống này cho thấy G20 không còn là tổ chức do Mỹ và G7 chi phối. Việc phân bổ nguồn lực và vị thế trong G20 năm 2024 đã cho thấy nó rất khác với G20 cách đây 10 năm. Điều này hứa hẹn một bước chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới từ đơn cực sang đa cực, từ chủ nghĩa đơn phương sang chủ nghĩa đa phương và sự định hình một cơ chế quan hệ kinh tế toàn cầu mới thay thế cho mô hình “G7 làm trung tâm” trước đây.
Tình hình này chính là thời cơ cho Việt Nam để định vị mình trong trật tự kinh tế thế giới mới. Và để làm được điều đó, Việt Nam cần đưa ra các sáng kiến phù hợp, góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi đó.
Trong phát biểu của mình tại phiên họp về chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, Thủ tướng Việt Nam đã nêu bật quan điểm: “Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên chúng ta nhưng chúng ta lại đang vay mượn nó từ các thế hệ tương lai”.
Đây là cũng là lời cảnh báo đầy tính nhân văn về những hậu quả khôn lường nếu loài người tiếp tục hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Để giải quyết “chuyện vay mượn” này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất ba giải pháp quan trọng trên 3 lĩnh vực then chốt gồm chuyển đổi số, xanh, sạch; phát triển con người và cơ chế hợp tác đầu tư tài chính:
Một là tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng. Trong đó, chuyển đổi số tạo nền tảng cho các vấn đề chuyển đổi khác. Chuyển đổi xanh là mục tiêu trọng tâm và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch là điều kiện bắt buộc.
Để giải quyết vấn đề này, G20 cần đi tiên phong trong kết nối nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và kiến tạo hệ sinh thái mở về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các nước đang phát triển với nguyên tắc không chính trị hóa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hai là G20 cần tập trung thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm nhất quán lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; đồng thời chú trọng tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp ông Tập Cận Bình tại G20
Ba là G20 cần thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư hiệu quả, nhất là hợp tác công tư để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng…
Trên nguyên tắc “đã nói là phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã thông báo đến Hội nghị thượng đỉnh G20 2024 việc Việt Nam đã đăng cai Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu” (P4G) vào tháng 4/2025; khẳng định đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.
Trong phiên thảo luận về chuyên đề xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm lớn giúp Việt Nam về đích trước thời hạn trong quá trình thực hiện cam kết của Liên Hợp Quốc gắn với định hướng hành động của G20
Tóm lại, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024, dù chỉ là khách mời nhưng phái đoàn Việt Nam nói chung và cá nhân Thủ tướng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng như một thành viên chính thức. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cam kết là một thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế ở các “sân chơi” mà Việt Nam có thể tham gia.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông!
Thảo luận