GS. Trần Ngọc Anh khuyến nghị, Việt Nam nên hướng đến các tập đoàn đa quốc gia, vì những tập đoàn này sẽ mang theo hệ sinh thái nhà cung cấp riêng và tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao.
Lợi thế của Việt Nam khi Trump trở lại Nhà Trắng
Trang Forbes (Mỹ) cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn lớn. Việt Nam hứa hẹn sẽ có cơ hội kinh doanh lớn hơn nữa dưới thời chính quyền Trump 2.0 trong thời gian tới.
Trong chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Donald Trump – nay đã là Tổng thống đắc cử – đã cam kết dịch chuyển toàn bộ các ngành công nghiệp trở về nước Mỹ.
Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra, và nếu có thì chắc chắn cũng không ở quy mô và tốc độ mà ông Trump muốn.
Thay vào đó, trong một kịch bản có thể xảy ra, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi chính từ chính sách này.
GS. Jason Miller, quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Michigan, cho rằng nếu trước đây hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, thì bây giờ sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
“Hoạt động sản xuất đó sẽ không quay trở lại Mỹ”, - GS. Jason Miller nhận định.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các tập đoàn lớn như Apple, Foxconn và Intel đã chuyển hướng sang Việt Nam nhằm đa dạng hóa danh mục sản xuất. Theo đánh giá của Forbes, Việt Nam vẫn có lợi thế khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Chỉ hai tháng trước, SpaceX của Elon Musk cũng đã công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Việt Nam.
Hay thậm chí cả Trump Organization cũng đang đầu tư vào Việt Nam với một thỏa thuận bất động sản xa xỉ trị giá 1,5 tỷ đô la mới được công bố gần đây (với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc-KBC).
Forbes cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi nhiều hơn nữa từ “tâm lý bài Trung Quốc” được tiên lượng trước của chính quyền Trump.
Ngoài ra, Việt Nam còn có số lợi thế so với các đối thủ khác trong khu vực như Ấn Độ. Việt Nam cũng có khả năng và thực sự đã nhanh chóng xây dựng khung chính sách mới thân thiện với doanh nghiệp.
Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi khi sở hữu 3 trong số 50 cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới. Đất nước nằm giáp với Trung Quốc, giúp cho hoạt động thương mại và logistics giữa hai nước trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt, Việt Nam là nước hiếm hoi trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam đang gấp rút nâng cấp hạ tầng trọng yếu để hỗ trợ các dự án lớn và được các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh.
Tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia
Gần đây, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố muốn thúc đẩy sản xuất của Mỹ và khiến cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có việc cảnh báo đánh thuế 60% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và 20% với hàng hóa sản xuất ở các nước khác.
GS. Trần Ngọc Anh, công tác tại Đại học Indiana (Mỹ) nói với Forbes rằng một trong những cách tốt nhất để Việt Nam có thể biến các quy định thương mại mới nghiêm ngặt này thành “lợi thế” là hướng đến các tập đoàn đa quốc gia, vì những tập đoàn này sẽ mang theo hệ sinh thái nhà cung cấp riêng và tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao.
“Việt Nam nên ưu tiên những tập đoàn mà sẽ kéo theo các công ty khác đến Việt Nam. Nếu đưa Apple đến Việt Nam, sẽ có rất nhiều nhà cung cấp khác muốn gần gũi với Apple - những công ty sẽ giúp Việt Nam chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao hơn. Thay vì sản xuất giày dép và dệt may, Việt Nam cần hướng đến công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn”, - GS. Trần Ngọc Anh khuyến nghị.