Theo lãnh đạo phường Quang Trung, Hà Nội, qua tìm hiểu người dân nơi đây thì trước đây khu vực này là nghĩa trang của ấp Thái Hà cũ. Người đã khuất được quy tập tại đây từ khoảng 50-70 năm trước.
Bác bỏ thông tin hơn 200 bộ hài cốt ở Hà Nội có từ thời vua Quang Trung
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, đại diện cơ quan chức năng tại Hà Nội vừa bác bỏ thông tin hơn 200 bộ hài cốt được tìm thấy trước đó trong quá trình thi công ống thoát nước ngõ 167 phố Tây Sơn (Đống Đa) có từ thời vua Quang Trung.
Như Sputnik đưa tin trước đó, ban đầu, vào chiều 21/11, trong quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) công nhân đã phát hiện khoảng 150 bộ hài cốt nằm ở độ sâu dưới mặt đất khoảng 1m. Sau đó, số lượng hài cốt được phát hiện thay đổi, nâng lên thành hơn 200 bộ.
Người dân sống quanh con ngõ 167 Tây Sơn chia sẻ, việc phát hiện hài cốt tại khu vực này không phải là chuyện lạ bởi nhiều năm nay, khi triển khai các công trình nhà ở, cải tạo vườn hoa... dân vẫn thường đào thấy các bộ hài cốt vô danh.
Nhiều tiểu quách bên trong chứa hài cốt được phát hiện nằm ở độ sâu hơn 1m so với mặt đường.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Thắng
Thậm chí, theo nhiều người dân sinh sống tại con phố này kể, theo các bậc cao niên trong ngõ, trước đây khu này là nghĩa trang nhưng không ai biết các tiểu quách có từ bao giờ, nguồn gốc ra sao, chỉ đến lúc xây nhà, làm đường, cải tạo vườn hoa mới phát hiện ra.
Sau khi thông tin vụ việc được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều người xôn xao bàn tán về nguồn gốc của số hài cốt.
Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, những hài cốt trên có từ thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh xâm lược vào xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Nhiều người khác lại cho hay, đó là hài cốt của những nạn nhân nạn đói năm 1945.
Trước các luồng thông tin thất thiệt, Chủ tịch UBND phường Quang Trung Hứa Thị Xuân Liên đã chính thức bác bỏ thông tin hơn 200 bộhài cốt này có từ thời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh xâm lược vào xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Theo chủ tịch UBND phường Quang Trung Hứa Thị Xuân Liên cho biết, ngõ 167 Tây Sơn thường xuyên ngập úng, tràn cả vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc vào mỗi mùa mưa.
Người dân trong ngõ nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cải tạo hệ thống thoát nước trong khu vực. Do vậy, năm 2024, quận Đống Đa đã đồng ý thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước và mặt đường tại ngõ 167 Tây Sơn.
Trong quá trình thi công hệ thống thoát nước, lực lượng công nhân phát hiện một số tiểu sành, có ngôi còn hài cốt, có ngôi do lâu năm đã bị phân huỷ. Ngay sau đó, đơn vị thi công cùng UBND phường đã báo cáo quận và phối hợp xử lý theo quy định.
Nơi công nhân thi công cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn phát hiện tiểu quách, bên trong chứa hài cốt.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Thắng
Phải phân tích ADN mới xác định được niên đại
Theo TS, Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, nếu muốn nghiên cứu sâu về nguồn gốc các bộ hài cốt có thể ứng dụng công nghệ phân tích ADN để xác định.
Tuy nhiên, tiến sĩ Chức cũng nhấn mạnh, cho dù hài cốt là của ai thì khi phát hiện cũng nên quy tập và thực hiện các nghi lễ cẩn thận theo đúng phong tục của người Việt.
Trả lời báoDân trí, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, hài cốt trong hơn 150 tiểu sành tìm thấy ở đường Tây Sơn tiêu đến mức không nhìn thấy hình hài chứng tỏ đã được chôn cất từ rất lâu.
Theo ông, hình thức cho thấy đây không phải cách chôn từng tiểu một mà chôn theo tập thể, cùng một lúc. Người chôn sắp xếp các tiểu san sát nhau để tiết kiệm diện tích. Cách sắp xếp cũng cho thấy người chôn làm rất cẩn thận. Vì vậy, đây không thể là nấm mồ chung hay bãi chiến trường. Thêm nữa, các hài cốt này đã qua cải táng.
Ông Dương Trung Quốc phân tích, thông thường khi cải táng, người ta chủ yếu nhặt xương cốt và bỏ đi các đồ tùy táng. Dưới góc độ khảo cổ học phải tìm được đồ tùy táng thì mới có thêm dữ liệu về chủ nhân các hài cốt.
Nhà sử học cũng nêu quan điểm, số hài cốt này khó có thể là của những nạn nhân nạn đói năm 1945 bởi những người thiệt mạng vì đói là những người khó khăn nên không thể được chôn cất trang trọng như thế. Những người chết đói thường được vùi xuống chứ không có áo quan. Sau này người ta quy tập lại dưới dạng bể chứa xương tập thể ở nghĩa trang Hợp Thiện thuộc Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Tại Hà Nội trước đây cũng có con phố có khu mộ chung. Sau giai đoạn toàn quốc kháng chiến năm 1946, chiến sĩ đồng bào thiệt mạng được quy tập thành dãy mồ chung ở "chợ Âm Phủ" - phố sách Hà Nội (con phố nối hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng) ngày nay. Cách đây hơn 20 năm, các hài cốt đã được chuyển lên Bất Bạt (Ba Vì)”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.
Về giả định số hài cốt có liên quan đến nghĩa sĩ Tây Sơn, khoảng cuối thế kỷ thứ 18, ông cho rằng, nghĩa sĩ Tây Sơn được thờ chung tại chùa Kim Sơn (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) nhưng chưa ai tìm hiểu được về nơi chôn cất.
Việc chôn cất sau khi cải táng có phần kín đáo, san bằng, không để lại dấu tích gì thì có thể có lý do liên quan đến vấn đề lịch sử.
Ông cũng đặt câu hỏi: “Phải chăng người dân ở khu vực này trước đây có cơ hội thu xếp thi thể của các nghĩa sĩ Tây Sơn. Để tránh sự dòm ngó của chính quyền nhà Nguyễn (triều đại đối nghịch), họ đã quy tập các hài cốt rồi đào sâu chôn chặt và không công khai? Với khoảng thời gian hơn 200 năm cộng với yếu tố về vùng đất, hài cốt đã tiêu gần hết?”.
Tuy nhiên,độ phân hủy của hài cốt phụ thuộc vào điều kiện môi trường đất. Ở mức độ tiêu hao gần như không còn nhiều như thế thì có thể nghĩ đến một khoảng thời gian rất xa trước đây.
Ông cũng chia sẻ, gia đình mới sang cát cho người thân mất năm 1947 và thấy các phần xương cốt vẫn còn rất đầy đủ.
Chủ tịch UBND phường Quang Trung - Hứa Thị Xuân Liên khẳng định, qua tìm hiểu, trước đây khu vực này là nghĩa trang của ấp Thái Hà cũ. Người đã khuất được quy tập tại đây từ khoảng 50-70 năm trước.
“Theo người dân sống trong khu vực, đây không phải là lần đầu tiên địa phương phát hiện nhiều bộ hài cốt. Trước đây, mỗi khi thi công công trình hạ tầng, đào móng nhà... đều phát hiện hài cốt", bà Hứa Thị Xuân Liên nhắc lại.
Lãnh đạophường Quang Trung cũng nhấn mạnh, sau khi thực hiện các thủ tục với nhà tang lễ, đến sáng 24/11, lực lượng chức năng đã bắt đầu quá trình di dời toàn bộ số hài cốt trong ngõ 167 về an táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì.