Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo về dự thảo Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ hiệu quả, đáp ứng tiến độ, thời gian theo yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của Ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Bộ Nội vụ phối hợp Văn phòng Chính phủ thực hiện các công tác tổ chức hội nghị đạt hiệu quả.
Các bộ, cơ quan thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần của Ban Chỉ đạo T.Ư và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18.
Chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp; đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó lưu ý có cơ chế quản lý phù hợp đối với tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhất là những tập đoàn lớn, quan trọng; có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của tổ chức đảng của Chính phủ, các bộ, cơ quan của Chính phủ.
Khẩn trương nghiên cứu, rà soát để ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp.
Phối hợp với các cơ quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, đề xuất giải pháp về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan triển khai công việc liên tục, thông suốt, không gián đoạn.
Tên gọi của các cơ quan sau khi hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của bộ, cơ quan.
Đặc biệt, Thủ tướng giao các Phó thủ tướng phụ trách khối trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất giữa các bộ, tổ chức bên trong của các bộ, ngành. Cụ thể, giao Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cùng Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sắp xếp việc sáp nhập Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì chủ trì việc sáp nhập Bộ GTVT và Bộ Xây dựng; sáp nhập Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì sáp nhập Bộ TT-TT và Bộ KH-CN thành Bộ Chuyển đổi số và Khoa học Công nghệ.
Phó thủ tướng Lê Thành Long chủ trì việc sắp xếp hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB-XH.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì.
Các Phó thủ tướng triển khai ngay việc quán triệt sắp xếp, hợp nhất và dự kiến các phương án; báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ từ ngày 9 - 15/12.