Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm, Ninh Thuận kiến nghị Trung ương đồng ý cho tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
Ninh Thuận tăng trưởng GRDP top đầu cả nước
Sáng 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận. Cùng đi với Tổng Bí thư có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn Phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…
Báo cáo với Tổng Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, ước thực hiện hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra; kinh tế, xã hội của tỉnh duy trì ổn định, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc top đầu cả nước.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2023 ghi nhận, GRDP bình quân đầu người ở Ninh Thuận đạt 88,2 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Kết quả này đã đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước lên tỉnh có thu nhập trung bình.
Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
© Ảnh : TTXVN - Nhan Hữu Sáng
Cùng với đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh Ninh Thuận hiện đã phục hồi, lượng khách du lịch đến địa phương tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020.
Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự phát triển vươn mình, sự nỗ lực, cố gắng của đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua. Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, trước những thời cơ, thách thức mới, tỉnh Ninh Thuận cần phải phát triển nhanh hơn nữa, thực hiện đạt những mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 và những mục tiêu tầm cao hơn.
Người đừng đầu Đảng chỉ rõ, năm 2025, Ninh Thuận cần chú ý nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị lãnh đạo địa phương và các đại biểu thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của tỉnh để các cơ quan Trung ương trao đổi, gợi mở tháo gỡ những điểm nghẽn.
Làm điện hạt nhân, để chậm là lãng phí
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho biết, vừa qua, Trung ương, Quốc hội đã thống nhất khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Lần này, Tổng Bí thư muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Ninh Thuận trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, chủ trương khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã có, nhân dân đồng tình thì cần xây dựng kế hoạch để bắt tay vào thực hiện, triển khai có hiệu quả, vì để chậm là lãng phí.
Báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm về việc triển khai dự án điện hạt nhân trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được Quốc hội thông qua chủ trương vào năm 2009, quy hoạch xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Công trình Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có tổng diện tích quy hoạch xây dựng là 1.642,22ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ.
Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận đã tập trung tuyên truyền vận động. Đa số người dân vùng dự án đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng lòng tự nguyện chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng.
Cùng với việc tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng, tỉnh Ninh Thuận cũng cử 88 học sinh, sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ hạt nhân tại Liên bang Nga. Đến nay, đã có 44 em về nước được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giới thiệu việc làm; 29 em tự tìm việc làm; 15 em chưa về nước.
Tuy nhiên, ngày 26/11/2016, Quốc hội dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Điều này này đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 2 xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải, vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, phải trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống, sản xuất.
Để hỗ trợ đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh dưới tác động của chủ trương dừng đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Qua 5 năm thực hiện, với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông ven biển, hạ tầng đô thị, thủy lợi, hạ tầng nhằm khôi phục sản xuất, hỗ trợ cho đời sống nhân dân trong vùng dự án.
Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân;
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân, bao gồm: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để đồng bộ với Luật chuyên ngành về xây dựng, điện lực, bảo vệ môi trường; Hệ thống các tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật về đầu tư điện hạt nhân để có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Trung ương cho chủ trương để tỉnh sớm điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; đồng thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai.
Trên cơ sở lộ trình triển khai dự án các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, cho phép tỉnh chủ động khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng của người dân trong vùng dự án; tăng cường tuyên truyền thông tin, vận động tạo đồng thuận nhân dân khi dự án được triển khai.
Đồng thời, tiếp tục đồng ý cho Ninh Thuận xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
Sáng cùng ngày, trước buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Ninh Thuận.