Khởi động lại dự án điện hạt nhân: Nhiều lợi ích chiến lược, không ít thách thức
nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Đăng ký
Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mang lại nhiều lợi ích chiến lược nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Sự thành công phụ thuộc vào khả năng cân đối lợi ích – rủi ro, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, công nghệ, nhân lực và sự đồng thuận xã hội; Nga vẫn là đối tác tiềm năng, có nhiều cơ hội tham gia vào dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ngày 25/11/2024, phát biểu kết luận taị Hội nghị Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trước đó, ngày 12/11/2024, tại phiên chất tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất Trung ương và được đồng ý về chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Sự cần thiết khởi động lại dự án điện hạt nhân
Việt Nam đã có Chương trình phát triển điện hạt nhân từ những năm 1990. Điện hạt nhân đã được xem xét lần đầu tiên tại Hội nghị TW2 (khóa VIII) ngày 24 tháng 12 năm 1996. Và dấu mốc quan trọng là theo Nghị quyết số 41/2009/QH12 Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc Hội chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản 3/2011, vì lý do an toàn và kinh tế, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đây được hiểu là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ.
Hiện nay Dự án điện hạt nhân đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Việc tái khởi động dự án này có những lý do và sự cần thiết cụ thể, đặc biệt khi xét đến bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu năng lượng của đất nước, xu thế chung của thế giới trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà vẫn có thể đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính.
“Tôi có thể nói về một số luận điểm liên quan đến sự cần thiết của dự án xét trên phương diện đối với quốc gia nói chung và cũng như bản thân đối với dự án nói riêng. Đó là đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm nhập khẩu nhiên liệu, tránh những cơn khủng hoảng về giá”, - TSKH Trần Hoàng Minh, chuyên gia về điện hạt nhân nói với Sputnik.
Tiến sỹ khoa học Trần Hoàng Minh cũng nhấn mạnh: Điện hạt nhân là nguồn năng lượng các - bon thấp, góp phần đảm bảo đạt mục tiêu trung hòa các - bon vào năm 2050, đồng thời giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường (bụi, SOx, NOx...) từ các nhiên liệu hóa thạch.
Phát triển điện hạt nhân giúp tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng hạt nhân, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.
Phát triển điện hạt nhân cũng giúp Việt Nam hòa nhập với xu thế hiện nay và tương lai của khu vực và thế giới, khi ngày càng có nhiều nước quan tâm đến chương trình xây dựng điện hạt nhân, khi điện hạt nhân ngày càng phổ biến, công nghệ ngày càng an toàn hiện đại, với tỷ trọng đáng kể trong cung cấp năng lượng thế giới.
Và tất nhiên, việc phát triển điện hạt nhân phù hợp với định hướng: Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 - tầm nhìn đến 2045 đã được Chính phủ phê duyệt, “phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”. (Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Điện hạt nhân còn đáp ứng nhu cầu điện năng cho đất nước khi đã khai thác hầu hết tiềm năng thủy điện, tiềm năng nguồn khí đốt đã suy giảm, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của các dạng NLTT; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược khai thác hợp lý và bền vững, đồng thời bảo tồn các nguồn nhiên liệu hóa thạch của quốc gia.
Những thách thức cần lưu ý
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Sputnik, Tiến sỹ khoa học Trần Hoàng Minh còn lưu ý: Không thể phủ nhận một điều là các dự án điện hạt nhân, bên cạnh sự cần thiết, luôn là các dự án không những phức tạp về mặt kỹ thuật công nghệ, có sự ảnh hưởng tác động lớn đến xã hội, cần phải được nhận diện những thách thức lớn:
Thách thức về an toàn: Rủi ro liên quan đến sự cố hạt nhân, như trường hợp của Chernobyl và Fukushima, luôn là mối lo ngại của cộng đồng.
Thách thức về quản lý chất thải: Xử lý chất thải phóng xạ là vấn đề phức tạp và đòi hỏi công nghệ cao.
Thách thức về chi phí đầu tư ban đầu: Nhu cầu về vốn lớn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể gây áp lực lên ngân sách quốc gia.
“Việc xem xét và triển khai các dự án như điện hạt nhân cần có tầm nhìn chiến lược, đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu phát triển và sự bền vững trong dài hạn. Cho nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, là chủ trương hết sức đúng đắn tính đến phát triển bền vững và dài hạn của đất nước”, - TSKH Trần Hoàng Minh nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Những khó khăn chính và thuận lợi hiện nay
Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân hiện nay sẽ đối mặt với cả thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh kinh tế, chính trị, và công nghệ thay đổi.
Theo các chuyên gia Sputnik đã phỏng vấn, những thách thức, khó khăn chính hiện nay là phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân; về các vấn đề hạ tầng liên quan đến điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEAthì có 19 vấn đề cần rà soát lại, xem xét trong bối cảnh hiện nay;
“Nguồn nhân lực cũng rất quan trọng: Nguồn nhân lực đảm bảo sự thành công của dự án. Chúng ta đã có giai đoạn chuẩn bị cho điện hạt nhân trước đây, tuy nhiên quá trình dừng 8 năm dẫn đến phân tán nguồn nhân lực đã có, cần phải rà soát, cũng như kế hoạch rõ ràng trong việc chuẩn bị nhân lực cho dự án”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý khía cạnh nguồn vốn. Như đã nói ở trên, điện hạt nhân đòi hỏi nguồn vốn ban đầu lớn, so với các loại hình nguồn điện khác. Tuy nhiên, điện hạt nhân lại được vận hành với đời sống dự án lên đến 60 năm và tỷ trọng nhiên liệu thấp trong cấu thành giá điện, nên vẫn cạnh tranh được với vài loại hình nguồn điện.
“Chấp thuận của công chúng luôn là thách thức đối với các quốc gia đã có điện hạt nhân cũng như các quốc gia dự tính phát triển điện hạt nhân. Đây là loại hình dự án mang tính dài hạn, nên cũng rất cần đối tác tin cậy, có thể chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
© Ảnh : http://baodatviet.vnDự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
© Ảnh : http://baodatviet.vn
Bên cạnh những khó khăn, phức tạp, cũng như thách thức đã đề cập ở trên, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân ở thời điểm này có những thuận lợi nhất định, vì Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nên cũng đã có tích lũy không ít kinh nghiệm.
Bối cảnh chuyển dịch năng lượng xanh, sạch hơn, với tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo ngày càng tăng, cắt giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt nhiệt điện than, thì điện hạt nhân có thể đóng vai trò là nguồn năng lượng nền đáng tin cậy được xem là ứng cử viên cho nguồn điện ổn định, góp phần giảm phát thải.
“Hiện nay, có thể thấy rõ, xu thế chung là nhiều nước hướng tới quan tâm xây dựng điện hạt nhân. Công nghệ điện hạt nhân tích lũy 70 năm kinh nghiệm vận hành ngày càng an toàn hơn, thương mại hóa và kiểm chứng rộng rãi. Việt Nam có thể tận dụng mối quan hệ với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực hạt nhân, như Nga, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, để tiếp cận công nghệ và vốn đầu tư”, - TSKH Trần Hoàng Minh, chuyên gia về điện hạt nhân phát biểu với Sputnik.
Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mang lại nhiều lợi ích chiến lược nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Sự thành công của dự án phụ thuộc vào khả năng cân đối lợi ích – rủi ro, đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, công nghệ, nhân lực và sự đồng thuận xã hội.
Cơ hội tham gia dự án của Liên bang Nga
Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện. Nga đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả công nghiệp, quân sự và năng lượng.
Trong giai đoạn 2010-2016 của dự án Ninh Thuận, Nga đã được chọn là một trong các đối tác chính theo Hiệp định liên chính phủ đã được ký kết phát triển Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1.
“Nga cũng đã hỗ trợ đào tạo nhiều kỹ sư và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trên 300 sinh viên đã được gửi sang Nga đào tạo trong giai đoạn 2010-2016. Đây sẽ là nguồn nhân lực tốt cho dự án.
Rosatom là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân, đã phát triển chuỗi cung ứng toàn diện từ khai mỏ, chế tạo nhiên liệu hạt nhân, thiết kế xây dựng vận hành nhiều nhà máy điện nguyên tử tại Nga cũng như nhiều nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia như các quốc gia Đông Âu trước đây và gần đây là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập…Nga, cụ thể là Rosatom, hoàn toàn có thể là một trong những đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
“Liên bang Nga đã có những thuận lợi từ giai đoạn trước đây như khảo sát, nghiên cứu kỹ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Nga cũng là đối tác có năng lực công nghệ tiên tiến, và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đặc biệt xuất khẩu & xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại nước ngoài. Vậy nên, Nga vẫn là đối tác tiềm năng, có nhiều cơ hội tham gia vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tuy nhiên, để thành công, Nga cần vượt qua các thách thức cạnh tranh quốc tế, đảm bảo tài chính và chuyển giao công nghệ, cũng như đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn”, - TSKH Trần Hoàng Minh đưa ra đánh giá về tiềm năng và cơ hội của Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.