Biển Đông

Tình hình ở Biển Đông lại trở nên căng thẳng

Philippines và Trung Quốc lại đụng độ ở Biển Đông. Cuộc đụng độ có thể là sự tiếp tục của cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên một bình diện khác; Việt Nam theo dõi sát sao những diễn biến ở Biển Đông và tăng cường hợp tác trong các cơ chế về xây dựng lòng tin, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình.
Sputnik
Mấy ngày qua tình hình ở Biển Đông lại trở nên căng thẳng: Gần một trong những rạn san hô lại xảy ra cuộc giao tranh giữa các tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines và Trung Quốc.

Philippines nói hải cảnh Trung Quốc hung hăng, Trung Quốc nói Philippines cố tình xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc

Phía Philippines khẳng định, lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đang tuần tra vùng biển gần rạn san hô để bảo vệ ngư dân ở đó. Tuy nhiên, họ đã phải đối mặt với những hành động hung hãn từ phía Trung Quốc dùng vòi rồng chống lại họ.
Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines (PCG) Jay Tarriela công bố trên X rằng một tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng chống lại tàu Philippines rồi đâm vào tàu ở khu vực bãi đá Scarborough trên Biển Đông. Jay Tarriela cho biết, các tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên nước Philippines và lực lượng bảo vệ bờ biển “đã phải đối mặt với những hành động hung hăng của một số tàu Trung Quốc”, bao gồm cả hải quân thuộc hạm đội Bắc. Tarriela tuyên bố, một trong những tàu Trung Quốc lúc đầu sử dụng vòi rồng, nhắm vào thiết bị dẫn đường của tàu Philippines, sau đó "cố tình tấn công mạn phải của nó".
Phía Trung Quốc thì cho rằng, Philippines đã cố tình xâm nhập vùng lãnh hải của bãi đá Scarborough nên lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp thích hợp. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo này.
“Như mọi lần, những gì đã diễn ra được hai bên mô tả và giải thích khác nhau. Philippines cho rằng vùng lãnh hải này là của họ, họ cho cư dân của họ hoạt động đánh cá ở đây. Phía Trung Quốc cho rằng Philippines đã xâm nhập vùng lãnh hải của họ nên lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp họ cho là thích hợp trong tình huống như thế. Nhìn chung,chẳng có gì là bất thường xảy ra ở vùng biển này trong những ngày gần đây, vì lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thường xuyên sử dụng vòi rồng và đuổi tàu Philippines ra khỏi vùng biển này. Kịch bản này lập đi lập lại thường xuyên”, - PGS-TS Hoàng Giang, chuyên gia quan hệ quốc tế nói với Sputnik.
Biển Đông
Hoa Kỳ cử nhóm tấn công tới Biển Đông

Có thể là sự tiếp tục của cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên một bình diện khác

Vấn đề là cuộc đụng độ tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông có thể là sự tiếp tục của cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên một bình diện khác. Vào tháng 11/2024, Manila đã thông qua luật về lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông.
Đáp lại, Trung Quốc công bố bản đồ, theo đó chỉ rõ ranh giới lãnh hải gần bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, phía Trung Quốc đã tăng cường tuần tra gần rạn san hô đang tranh chấp.

“Việc Trung Quốc tăng cường tuần tra ở khu vực rạn san hô tranh chấp đã dẫn đến việc bắt gặp lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines mấy ngày trước. Những cuộc chạm chán như thế này đã không còn gây ngạc nhiên nữa, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm tình hình trên Biển Đông căng thẳng hơn và bất ổn hơn, ngay cả khi Philippines và Trung Quốc hè 2024 đã ký thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa đến tiền đồn của Philippines trong vùng biển này”, - PGS-TS Hoàng Giang, chuyên gia quan hệ quốc tế bình luận với Sputnik.

Việt Nam kiên định xây dựng lòng tin, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình

Bất đồng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông vẫn đang diễn ra phức tạp, đặc biệt căng thẳng trong mấy một năm gần đây. Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch trong giao thương khu vực và thế giới. Bất ổn ở Biển Đông chắc chắn sẽ kéo theo bất ổn về chính trị, quốc phòng và an ninh. Việt Nam cũng hiểu rõ, việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng này là vấn đề khó khăn, là thách thức và lâu dài.
Biển Đông
Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc công bố tên tiêu chuẩn của 64 thực thể ở Biển Đông
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của hòa bình và an ninh ở Biển Đông, Việt Nam, trước sau như một, luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bằng đàm phán, trên cơ sở những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

“Việt Nam theo dõi sát sao những diễn biến trên Biển Đông và nỗ lực tăng cường hợp tác trong các cơ chế về xây dựng lòng tin, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, ngay cả trong tình huống khi các nước khác xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam. Việt Nam lên tiếng phản đối những hành động phi pháp, phản đối các hành vi xâm phạm vùng biển của Việt Nam; yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 nhưng cố gắng kiềm chế để không xảy ra xung đột vũ trang”, - PGS-TS Hoàng Giang, chuyên gia quan hệ quốc tế nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Thảo luận