Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km. Như vậy, so với trước đây, TP.HCM tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến 2035 từ 183 km lên 355 km, tăng vốn đầu tư thêm hơn 3 tỷ USD.
10 năm làm xong 355 km đường sắt đô thị
Chiều 10/12, trong khuôn khổ kỳ họp cuối năm HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đã thay mặt UBND TP trình HĐND các nội dung thuộc đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án metro), theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Đề án cập nhật thêm các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ GTVT cũng như thống nhất với TP.Hà Nội.
Đầu năm 2024, HĐND TP đã có nghị quyết, cho ý kiến về đề án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, giao UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện đề án. Trong đó, quan tâm yếu tố kỹ thuật, pháp lý, công nghệ để làm metro tại TPHCM, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn của TP.HCM.
Sau khi có nghị quyết, thành phố đã tích cực làm việc với Bộ GTVT hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các bộ, ban ngành Trung ương.
Chính phủ cũng lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì đã có hai phiên họp về đề án này. Thành phố tiếp tục hoàn thiện, báo cáo thường trực Chính phủ vào ngày 5-12 vừa qua.
Ngay sau đó, Thủ tướng có kết luận chỉ đạo và thành phố đã tập trung trong nhiều ngày qua, tiếp thu ý kiến chỉ đạo này.
Về nội dung đề án, ông Trần Quang Lâm cho biết trước đây thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến 2035 hoàn thành 183 km metro, đến 2045 hoàn thành 168 km; đến 2060 hoàn thành tiếp 159 km là hoàn thành mạng lưới 510 km.
Thành phố cũng chia làm ba giai đoạn để thực hiện mục tiêu này với tổng mức đầu tư 37 tỷ USD.
Tuy nhiên, trên tinh thần mới mà Thủ tướng yêu cầu là phải đẩy nhanh tiến độ dự án metro, rà soát lại quy hoạch, đảm bảo tư duy hiện đại, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, nghiên cứu cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện tốt nhất có thể…, Bộ GTVT cũng giao TP.HCM nghiên cứu, qua đó TP muốn tăng quy mô thực hiện metro.
“TP.HCM phấn đấu đến năm 2035, thành phố thực hiện 7 tuyến từ 1 đến 7 với 355 km metro, giai đoạn 2045 hoàn thành 155 km nữa là hoàn thành toàn tuyến 510km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
Như vậy, với quy mô này, thành phố cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 40 tỷ USD từ nay đến 2035 (tăng 3 tỷ USD). Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060.
Đây được xem là một bước đi táo bạo của TP.HCM trong nỗ lực thay đổi hạ tầng giao thông, đô thị.
Đề xuất này nhằm rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060.
Việc sớm phủ sóng mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Khởi công vào năm 2027
Về kế hoạch triển khai thực hiện, từ nay đến giai đoạn 2025-2027 là công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2027-2028 là bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời khởi công công trình.
Đáng chú ý, TPHCM dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 6,1 tỷ USD; chi phí xây dựng hơn 17,6 tỷ USD; chi phí thiết bị và phương tiện hơn 7 tỷ USD; chi phí quản lý dự án hơn 3,8 tỷ USD; chi phí dự phòng hơn 5,5 tỷ USD.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, UBND Thành phố đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
“Với khối lượng lớn như vậy, làm sao chúng ta làm được trong vòng 10 năm thì chúng tôi cũng đã rà soát, bổ sung 30 cơ chế để thực hiện thành công đề án”, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm.
Ngoài ra, thay vì chia ra ba giai đoạn thực hiện, thành phố cũng rút ngắn thời gian, chia làm hai giai đoạn để thực hiện gồm từ nay đến 2035 và từ 2035 đến 2045. Thành phố cũng chia nguồn vốn ra theo từng giai đoạn để thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM kỳ vọng, việc thực hiện mạng lưới metro sẽ góp phần giải quyết các bất cập về giao thông, chỉnh trang đầu tư các khu đô thị hiện hữu xung quanh nhà ga, tăng hiệu quả, phát triển không gian ngầm trong thời gian tới.