Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cũng thừa nhận, đã dự báo những thách thức trong công tác thi hành án vụ án này. Ông Khôi khẳng định, đây là vụ thi hành án lớn nhất trong lịch sử thi hành án.
Vụ án Vạn Thịnh Phát lớn nhất lịch sử thi hành án
Nhận định trên được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu tại buổi làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về công tác tư pháp và thi hành án dân sự, chiều 11.12.
Chiều 11/12, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.
Đồng chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ Trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Tại buổi làm việc, một trọng tâm được thảo luận kỹ là công tác chuẩn bị thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, tình hình chuẩn bị và dự báo những thách thức trong công tác thi hành án trong vụ án này. Ông Khôi đánh giá, đây là vụ thi hành án lớn nhất trong lịch sử thi hành án.
Đến nay, giai đoạn 1 của vụ án đã xét xử xong phúc thẩm, cơ quan thi hành án TP.HCM phải thi hành 22.742 tỉ đồng, 1.084 bất động sản, hơn 1 tỉ cổ phần.
Trong khi đó, giai đoạn 2 vụ án cũng đã xét xử sơ thẩm, dự kiến phải thi hành 31.139 tỉ đồng, bồi thường cho hơn 43.000 người.
"Tổng số tiền và tài sản mà Cơ quan thi hành án TP.HCM phải tổ chức thi hành liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát là trên 50 ngàn tỉ đồng. Số tiền này bằng 1/3 tổng số tiền mà Cơ quan thi hành án phải thi hành trong năm 2024. Khối lượng công việc và giá trị tài sản phải thi hành trong thời gian tới là khổng lồ. Đây là một thách thức rất lớn", Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
“Rắc rối không thể tưởng tượng”
Bí thư Thành ủy TP.HCM thống nhất 7 nhóm nội dung dự kiến ký kết hợp tác giữa Bộ Tư pháp với TP.HCM, tập trung vào thi hành án dân sự. Theo ông Nên, vụ Vạn Thịnh Phát đặt ra một vụ việc chưa có tiền lệ. Quy mô, tính chất như vậy cần giải quyết bằng cơ chế đặc thù, vì nếu dùng cơ chế cũ sẽ không đủ sức.
Bí thư Nên cho biết, với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp, bản thân ông nhận thấy đội ngũ làm công tác thi hành án đang bị quá tải. Chẳng hạn, số lượng chấp hành viên thực hiện của TP.HCM bằng 1,5 - 2 lần bình quân cả nước.
"Tòa án xử những phiên chưa từng có. Xử xong rồi bây giờ thi hành án cũng chưa từng có luôn. Mà muốn xử cái đó phải điều tra, truy tố. Những cái này đã nói với nhau trước rồi. Tôi lo nhất là thi hành án. Khi chuẩn bị ra xét xử đã nói rồi. Nó sẽ là một rắc rối không thể tưởng tượng", Bí thư Nên chia sẻ.
Ông Nên cũng đồng tình với đề xuất cần có ban chỉ đạo tương xứng để huy động lực lượng, đồng thời chuẩn bị nhân lực, nguồn lực tương xứng, có kế hoạch cụ thể phục vụ công tác thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát.
Đối với hơn 43.000 người được thi hành án trong vụ án, Bí thư Thành uỷ TP.HCM lưu ý cần có kế hoạch thông báo để họ ngồi ở nhà vẫn tiếp nhận đầy đủ thông tin, không phải mất công chạy tới chỗ này chỗ kia.
"Vấn đề đặt ra phải có tổ chuyên tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin và thông báo, phản hồi thông tin để người dân yên tâm ngồi ở nhà", ông Nên nói.
Cần cơ chế đặc thù
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, 1 chấp hành viên ở TP.HCM đang tổ chức thi hành án 380 việc, giá trị khoảng 540 tỉ đồng, chưa kể vụ Vạn Thịnh Phát.
Trong bối cảnh đang sắp xếp tinh gọn bộ máy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM mong muốn có cơ chế đặc thù cho lĩnh vực thi hành án. Ông cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ cùng các chính sách, đãi ngộ, nguồn tài chính nhằm phục vụ công tác thi hành án vụ án Vạn Thịnh Phát.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, vụ Vạn Thịnh Phát đã có ban chỉ đạo, lập tổ công tác, xác định bao nhiêu việc đặt lên bàn cần giải quyết ngay, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, điều kiện để thực hiện.
Theo ông Mãi, đối với cơ chế phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự với các cơ quan thuộc TP.HCM, việc nào cần xây dựng quy chế, việc nào cần ngồi lại trao đổi thống nhất sẽ được thể hiện trong kế hoạch triển khai chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và TP.HCM.
Về nội dung thẩm định giá, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thẩm định giá trong các vụ án hình sự là công việc tương đối phức tạp. Trên địa bàn thành phố có hơn 100 doanh nghiệp hành nghề tư vấn thẩm định giá. Tuy nhiên, với những hồ sơ phức tạp thì doanh nghiệp ít tham gia dự thầu.
Thời gian từ lúc mời thầu đến lúc xét thầu khoảng 30 ngày, nếu không có nhà thầu trúng thầu thì phải mời thầu lại, lại mất thêm 30 ngày nữa. Ông Hải đề nghị cần xác định rõ chi phí thanh toán cho đơn vị tư vấn lấy từ nguồn nào để doanh nghiệp yên tâm tham gia.
"Nếu lấy từ nguồn bán tài sản sau khi đấu giá thì chờ rất lâu, doanh nghiệp tư vấn ngại tham gia", Giám đốc Sở Tài chính cho biết.