Thêm một cuốn sách nghìn trang về lịch sử Việt Nam được xuất bản tại Moskva

Một ngàn trang - đó chính là độ dầy tập sách được nhà xuất bản "Nauka" xuất bản tại Moskva vào trước thềm năm 2025 và bổ sung vào thư viện sách về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Nga.
Sputnik
Trong vài thập kỷ qua, thư viện này đã trở nên khá sâu rộng. Vị trí trung tâm trong đó là ấn bản “Đại Việt sử ký toàn thư” dịch sang tiếng Nga gồm 8 tập, dày hơn 6 000 trang. Công trình đồ sộ này được một nhóm học giả Nga Việt nổi tiếng thực hiện trong vòng 20 năm. Năm 2022, tượng đài chính của tư tưởng lịch sử truyền thống Việt Nam, cuốn biên niên sử bao trùm thời kỳ từ cổ đại đến năm 1675, chính thức công bố năm 1697, được xuất bản đầy đủ bằng bản dịch sang tiếng Nga. Đây là bản dịch “Đại Việt sử ký toàn thư” sang tiếng nước ngoài đầu tiên trên thế giới. Hơn nữa, bản dịch này trong mỗi tập đều có kèm theo hàng trăm trang chú giải và phụ lục.
Cách tiếp cận tương tự cũng được dịch giả chính “Đại Việt sử ký toàn thư”, tác giả của hầu hết các bài chú giải và người biên soạn các phụ lục, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Andrei Fedorin, thể hiện trong công trình của mình về “Đại Việt sử ký toàn thư tục biên”. Ấn phẩm sẽ bao gồm hai tập, tập đầu tiên dày 1000 trang, được xuất bản trước thềm năm mới 2025.
Các độc giả Nga có cơ hội làm quen với bộ chính sử lớn bậc nhất của Việt Nam
Trả lời phỏng vấn Ban tiếng Việt của Sputnik, Giáo sư Fedorin lưu ý: “Đại Việt sử ký toàn thư tục biên” gồm 6 chương mô tả các sự kiện diễn ra từ những năm 1670 đến 1740. Các chương này được biên soạn vào khoảng năm 1775 bởi một ủy ban do Nguyễn Hoàn đứng đầu và nhanh chóng được khắc in. Tuy nhiên, vào năm 1838, vua Minh Mạng đã ra chiếu chỉ tịch thu và tiêu hủy toàn bộ bản in Toàn thư tục biên, vì trong đó có nội dung làm mất uy tín của triều Nguyễn hiện tại và tôn vinh “những kẻ tiếm quyền” nhà Trịnh. Nhưng mặc dù sắc lệnh này đã được thi hành rất nghiêm cẩn nhưng vẫn có thể khôi phục được ít nhất là một phần văn bản. Bởi vì trước sắc lệnh năm 1838, khi văn bản vẫn còn được lưu giữ trong một số thư viện tư nhân, người ta đã cố gắng chỉnh sửa văn bản để triều Nguyễn có thể chấp nhận và không bị phạm húy. Những trích dẫn sâu rộng từ “Đại Việt sử ký toàn thư tục biên” cũng được đưa ra trong các tác phẩm không phải biên niên sử, chẳng hạn như trong biên niên sử gia đình, và cũng được phản ánh trong nghiên cứu của một số nhà sử học Việt Nam hiện đại. Văn bản “Đại Việt sử ký toàn thư tục biên” xuất bản ở Moskva đã được phục dựng lại từ tất cả các nguồn tư liệu còn sót lại, qua sự chọn lọc có phê phán.”
Tập đầu tiên của công trình này bao gồm văn bản được khôi phục Hán Việt dài 150 trang, bản dịch 300 trang sang tiếng Nga và các bài bình luận chú giải tổng cộng 200 trang, cũng như gia phả họ Đặng.
Cuốn sách độc đáo của nhà khoa học độc đáo về một đất nước độc đáo
Giáo sư Fedorin cho biết tập hai và cũng là tập cuối cùng của cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư tục biên” bằng tiếng Nga sẽ được xuất bản tại Moskva vào năm 2025.
Thảo luận