“Sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế Đức hiện có quy mô nhỏ hơn 5% so với trước đây nếu xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch tiếp diễn”, - bài báo cho biết.
Trong số những lý do chính dẫn đến điều này, các nhà phân tích nêu ra việc từ chối nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga, cũng như tình trạng xuống dốc của các hãng ô tô Đức khi phải cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Như bài báo nhận định, phần lớn thâm hụt do những thay đổi mang tính cơ cấu này gây ra sẽ khó bù đắp do khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước suy giảm.
“Sự suy giảm khả năng cạnh tranh quốc gia có nghĩa là mỗi hộ gia đình bị thiệt hại khoảng 2.500 euro mỗi năm”, - bài báo lưu ý.
Theo bà Amy Webb, CEO của công ty Future Today Institute, nơi tư vấn về chiến lược và phát triển cho các công ty Đức, xu hướng này mang trong mình mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả vì nó không chỉ ảnh hưởng đến riêng nước Đức mà còn đến toàn bộ Liên minh Châu Âu.
“Đức sẽ không sụp đổ chỉ sau một đêm. Đó là điều khiến kịch bản này trở nên đáng sợ. Đây là sự suy giảm rất chậm, kéo dài, không phải của một công ty, không phải một thành phố mà là toàn bộ đất nước và cả châu Âu cùng với nó”, - hãng tin dẫn lời bà Webb.
Ở Đức, tình trạng trì trệ đã kéo dài sang năm thứ năm. Năm nay, GDP điều chỉnh theo lạm phát của nước này sẽ giảm 0,1%, theo dự báo phát triển tình hình kinh tế của Viện Kinh tế Đức.
Theo một nghiên cứu của công ty YouGov, đại đa số người dân Đức không hài lòng với tình hình kinh tế trong nước và đánh giá nó ở mức “xấu”. Đồng thời số người trông chờ tình hình sẽ được cải thiện trong những thập niên tới không nhiều.