Trong cuộc trò chuyện với Sputnik, Trung tá Trịnh Văn Phương đã chia sẻ về những năm tháng học tập tại Nga, về những cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ, cũng như cách anh duy trì và lan tỏa tình yêu đất nước Nga qua từng nốt nhạc, khẳng định vai trò của âm nhạc trong việc kết nối và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
Nước Nga - nguồn cảm hứng vô tận
Là con của một quân nhân, lại đam mê âm nhạc từ khi còn là học sinh. Trung tá Trịnh Văn Phương quyết định theo học tại Trường Nghệ thuật Quân đội. Năm 2014, anh được cử đi học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Nga mang tên Gnesin, chuyên ngành thanh nhạc cổ điển hàn lâm.
Sau khi tốt nghiệp, năm 2020 anh trở thành chuyên gia cấp cao về giảng dạy sư phạm thanh nhạc. Hiện nay, Trịnh Văn Phương là giảng viên tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
Trong quá trình học tập ở Nga, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có cơ hội tiếp xúc sâu sắc với văn hóa Nga. Tình yêu lớn đối với xứ sở bạch dương bắt đầu lớn dần theo tháng ngày. Tại đây, anh nhận được sự giúp đỡ và ảnh hưởng sâu sắc từ các thầy, cô giáo Nga cùng bạn bè.
“Tình yêu với nước Nga, có lẽ là từ giờ đến già chắc không bao giờ vơi cạn. Qua những bài học lịch sử từ thời học sinh, tôi luôn trân trọng và biết ơn sự giúp đỡ của nước Nga đối với Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cho đến khi lên đại học, các thầy cô Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội truyền giảng văn hóa Nga thông qua các bài hát như “Thời thanh niên sôi nổi, Giờ này anh ở đâu, Đôi bờ, Triệu bông hồng,...Tinh thần Nga, văn hóa Nga ngấm vào người từ khi nào. Là một người lính, tôi luôn cảm nhận được tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt thành và văn hóa đó”, anh Phương chia sẻ.
Cũng tại những năm tháng học tập tại Nga, Trung tá Trịnh Văn Phương đã cho ra mắt album đầu tay mang tên "Cánh đồng Nga", gồm 9 ca khúc bằng tiếng Nga. Toàn bộ album được phối nhạc và thu âm tại đây. Với tình yêu sâu sắc dành cho nước Nga, hình ảnh cánh đồng bao la trải dài đến tận chân trời, đã mang lại cho nghệ sĩ trẻ người Việt cảm xúc mãnh liệt.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
“Thiên nhiên Nga đẹp tuyệt vời và quyến rũ. Ở Nga không có gì là không thể khiến tâm hồn người nghệ sĩ bay bổng. Việt Nam thì cũng có những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nhưng cảm xúc chứng kiến cánh đồng bao la bát ngát, nhìn thấy tận chân trời xa, có lẽ chỉ có nước Nga. Đó là nguồn cảm hứng khiến tôi sáng tác và ra album đầu tay mang tên “Cánh đồng Nga”, Trung tá Trịnh Văn Phương, giảng viên của Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội kể lại.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
Anh Phương tâm sự, cho đến khi về nước, tình yêu đối với nước Nga vẫn luôn luôn rực cháy ở trong tim. Bài hát “Nước Nga, Tổ quốc tôi” được Trung tá Trịnh Văn Phương thể hiện nhiều lần trong nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước. Bài hát lột tả hết những cái cảnh đẹp của nước Nga, đặc biệt khơi gợi cho người nghệ sĩ như anh tình yêu đối với nước Nga mãnh liệt hơn, nồng nàn hơn. Tại Việt Nam, đây cũng là ca khúc gắn liền với tên tuổi của anh.
“Khi đi học ở Mỹ, Anh, Úc, hiếm thấy có ai gọi đó là quê hương thứ hai. Nhưng những ai đi học ở Nga về, đều coi đó là quê hương thứ hai. Có lẽ chính sự tình cảm chân thành, tốt bụng của mọi người, đều khiến những ai đến Nga cảm giác như đây là quê hương của mình”, người nghệ sĩ khẳng định.
Tinh thần người lính trong mỗi giai điệu
Sau khi về nước, với giọng hát nội lực và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Trung tá Trịnh Văn Phương được cấp trên tin tưởng, cử sang Nga dự thi Liên hoan âm nhạc trong khuôn khổ Army Games trong nhiều năm.
Năm đầu tiên 2020, nghệ sĩ Phương đã giành giải Nhất. Năm 2021, trong số hơn 20 nước dự thi, trong đó có Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Belarus, anh đã đạt giải Người hát tiếng Nga hay nhất. Đến năm thứ ba, Trung tá Trịnh Văn Phương tham gia là với vai trò là Ban giám khảo của Army Games chấm thi tiết mục của các nước.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
“Đến giờ tôi vẫn nhớ khoảnh khắc khi đang biểu diễn ở thao trường Alabino, khi vừa cất lời bài hát “Nước Nga Tổ quốc tôi”, tất cả khán giả đứng dậy, đặt tay lên tim theo lời bài hát. Đối với tôi, có lẽ không bao giờ quên được hình ảnh này. Và tôi nhận ra rằng, tình yêu, tinh thần dân tộc của Nga, cũng như của Việt Nam rất lớn, xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim của mỗi người. Thế nên, bản thân cố gắng làm sao mà thể hiện ca khúc bằng tất cả tình yêu nước Nga”, nghệ sĩ chia sẻ về sự tương đồng trong âm nhạc Nga và Việt.
Trung tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia Army Games tại Nga
© Ảnh : Trung tá Trịnh Văn Phương
Anh Phương cho hay, những cuộc thi âm nhạc trong khuôn khổ Army Games không chỉ là sân chơi bổ ích để quảng bá văn hóa, con người và tinh thần yêu hòa bình của Việt Nam trên trường quốc tế. Mà còn là nơi để kết nối tình đồng đội, sự đoàn kết giữa các nước qua âm nhạc, nghệ thuật, và những cảm xúc chân thành.
Một kỷ niệm khác khiến nghệ sĩ quân đội Trịnh Văn Phương ấn tượng nhất đó là Chương trình nghệ thuật hát cho kiều bào nhân dịp Quốc khánh 2/9 do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam đồng tổ chức. Những ca khúc đậm chất quê hương, xen lẫn tình đồng chí, đồng hương. Tất cả tình cảm dồn vào sân khấu, khiến cho người xem và người biểu diễn đều quyết luyến.
“Nhiều người Việt sinh ra ở Nga chưa từng hoặc ít về Việt Nam, nhưng khi nghe những giai điệu quê hương, họ xúc động thốt lên: “Quê hương đẹp vậy sao?”. ĐIều này càng khẳng định âm nhạc luôn tiềm ẩn sức mạnh to lớn, khơi dậy tình yêu đất nước”.
Trăn trở người nghệ sĩ trong công tác đào tạo
Là người lính theo đuổi nghệ thuật, giảng viên của Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Trịnh Thanh Phương luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng đam mê và kiên trì theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại công nghệ số với sự cạnh tranh gay gắt của các dòng nhạc phổ thông.
Anh khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối và phát triển nền âm nhạc truyền thống, kết hợp với những cách tiếp cận mới để thu hút khán giả rộng rãi hơn.
Trăn trở của anh khi làm công tác đào tạo thanh nhạc là làm sao để kết hợp hài hòa giữa những giá trị nghệ thuật và tinh thần kỷ luật của quân đội. Làm sao truyền đạt không chỉ kỹ thuật thanh nhạc mà còn là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và sự kiên cường của người chiến sĩ qua từng bài hát.
Bên cạnh việc giảng dạy, nghệ sĩ Thanh Phương còn mong muốn phát triển những thế hệ học viên có đủ tài năng và đức độ, đồng thời góp phần nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật của đất nước, tạo nên cầu nối vững chắc giữa quân đội và nhân dân.