Theo Báo cáo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập Anh (CEBR), năm 2024, với quy mô GDP đạt 450 tỷ USD, Việt Nam ở vị trí 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT). Đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu và tỷ lệ tín dụng trên GDP cao.
Sputnik xin giới thiệu bài phỏng vấn đầu năm với Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa về chủ đề triển vọng và khó khăn của nền kinh tế Việt Nam năm 2025
Những xu hướng chính của nền kinh tế thế giới năm 2025
Sputnik: Thưa Tiến sỹ Lê Hòa, ông có thể nói gì về bức tranh kinh tế thế giới năm 2025?
Chuyên gia Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế-tài chính:
Theo đánh giá của tôi, sẽ xuất hiện một số xu hướng sau trong nền kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, đó là thương mại toàn cầu chậm lại và chủ nghĩa bảo hộ sẽ tăng. Những nỗ lực của ông Donald Trump liên quan đến thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến việc thương mại toàn cầu sẽ chậm lại và gia tăng sự phân mảnh của thị trường. Một phần đáng kể của cuộc chiến thương mại có thể dẫn đến việc giảm thương mại trực tiếp và định hướng lại thông qua các nước thứ ba. Ngoài ra, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ gây ra một đợt bảo hộ mới ở cả Trung Quốc và các nước khác.
Xu hướng thứ hai có thể là việc gia tăng chi tiêu quân sự của các quốc gia. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ước tính năm 2023, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 6,8% và đạt mức kỷ lục 2,3% GDP toàn cầu. Xu hướng tăng chi tiêu quân sự trên toàn cầu sẽ tiếp tục trong năm 2025 và vài năm tới. Trước hết, đó là do sự suy giảm niềm tin giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đó, nguy cơ leo thang các cuộc xung đột lâu dài đến mức xung đột vũ trang đang ngày càng gia tăng. Và một điểm quan trọng nữa, nền chính trị khối cũng đang được hồi sinh. Nguyên nhân thứ hai khiến chi tiêu quân sự trên thế giới sẽ tăng lên là việc quân sự hóa đổi mới công nghệ. Đặc biệt, cuộc chạy đua phát triển trong lĩnh vực vũ khí tên lửa siêu thanh và các phương tiện chống lại chúng đang bước vào một giai đoạn mới; trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi cho các loại vũ khí. Mức tăng chi tiêu quân sự sẽ không chỉ thấy ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, các nước EU và các nước là thành viên của khối NATO, mà cả ở Australia, quốc gia này đang lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đang tìm cách chuẩn bị cho những thách thức có thể xảy ra; rồi Ấn Độ, nước này cũng cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và có xung đột lâu dài với Pakistan. Không thể không chú ý tới Brazil, nước này có kế hoạch củng cố cam kết phân bổ ít nhất 2% GDP cho nhu cầu quốc phòng…
Xu hướng thứ ba là sự lan rộng của trí tuệ nhân tạo. AL hiện nay đã có thể thực hiện các công việc sáng tạo, không phải thay con người, mà là cùng với con người. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025. Đặc biệt, sẽ có sự tích hợp sâu vào các dịch vụ hàng ngày và ứng dụng AI trong lĩnh vực tạo và chỉnh sửa hình ảnh, video và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ngoài ra, với sự trợ giúp của AI, các quy trình kinh doanh trong sản xuất, hậu cần và bảo trì tòa nhà sẽ được tối ưu hóa… Những công nghệ mới có AL sẽ có thể có tác động đáng kể đến thị trường lao động.
Ngoài 3 xu hướng trên thì chiến tranh thương mại Trung – Mỹ vẫn sẽ tiếp tục, tác động không nhỏ tới 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này; Bất bình đẳng gia tăng, vì cơ cấu kinh tế hiện nay vẫn phản ánh nguyên tắc “giàu càng giàu, nghèo càng nghèo”; Vai trò của đồng đô la năm 2025 sẽ giảm dần do rủi ro trừng phạt đối với ngày càng nhiều quốc gia và các rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khó có khả năng năm tới sẽ là một năm bước ngoặt, bởi vẫn tiếp tục hoạt động các cơ chế đảm bảo vị trí độc tôn của đồng đô la không chỉ với vai trò là phương tiện thanh toán mà còn là trung gian để làm bãi “đậu” cho các công cụ tài chính…
Khó khăn chính là thế giới vẫn sẽ phải sống trong điều kiện có rất nhiều vấn đề và xung đột căng thẳng khu vực. Đó là vấn đề về di cư, nghèo đói, xung đột quốc gia đang tồn tại ở một loạt nước. Đạt được tăng trưởng kinh tế trong những điều kiện như thế là vấn đề phức tạp và vô cùng khó khăn.
Những thách thức và khó khăn cho kinh tế Việt Nam năm 2025
Sputnik: Những lĩnh vực nào sẽ là trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những thách thức là gì?
Chuyên gia Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế-tài chính:
Trong năm 2025, theo tôi, các lĩnh vực sản xuất, thương mại và FDI vẫn sẽ là các trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là một trong những ngôi sao tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những thách thức lớn.
Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và việc Mỹ thay đổi chính sách thương mại nhằm ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc qua các "nền kinh tế trung gian". Và không chỉ chính sách thương mại, Việt Nam sẽ phải chịu những tác động của sự biến động đồng USD và cả các chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ, bởi vì Việt Nam lệ thuộc nhiều vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới 80-90%.
Bên cạnh đó, cho dù du lịch quốc tế ghi nhận tăng trưởng mạnh (đạt gần 17,6 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 40% so với 2023), tiêu dùng bán lẻ trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi không rõ rệt. Dù tăng trưởng được dự báo lạc quan (Việt Nam đặt mục tiêu 8%) nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa tiếp cận được với những hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không có hỗ trợ hiệu quả và biện pháp hợp lý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2025 của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng (năm 2024 gần 198 000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường).
Việc thiếu lực lượng lao động chất lượng cao, cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ chưa phát triển cũng là những thách thức lớn.
Căng thẳng địa chính trị thế giới sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Những vấn đề của nền kinh tế thế giới đã đề cập ở trên cũng sẽ tác động tới Việt Nam.
Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như con người, cơ sở hạ tầng, thể chế, văn hóa – giáo dục
Sputnik: Theo dự báo của Seasia Stats, Việt Nam sẽ lọt nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào năm 2025 với GDP đạt 506 tỷ USD. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất và thu hút FDI.
Tiến sỹ đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025? Việt Nam cần làm những gì để đạt được những mục tiêu tăng trưởng 8% đề ra?
Chuyên gia Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế-tài chính:
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 hôm/1/2025, điểm lại những kết quả ấn tượng năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây.
Đó là tiền đề tốt để có thể đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 là rất tích cực. Nhưng các chuyên gia tham gia sự kiện nói trên cũng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, duy trì đà tăng trưởng bền vững, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như con người, cơ sở hạ tầng và thể chế.
Vấn đề con người ở đây không chỉ là việc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, mà còn là vấn đề nhân lực chất lượng cao, đảm bảo được nhu cầu phát triển sản xuất, công nghệ, sáng tạo. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục.
Về hạ tầng, năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021km đường cao tốc và năm 2025 là năm chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt liên vùng, hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại. Năm 2025, Việt Nam có kế hoạch hoàn thiện 3000 km đường cao tốc, 1000 km đường ven biển. Nhưng vấn đề không chỉ hạ tầng giao thông mà còn phải phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), các khu công nghiệp, khu kinh tế…Không chỉ thế, hạ tầng công nghệ cao (hạ tầng số, bán dẫn, blockchain…) cũng là lĩnh vực cần được ưu tiên.
Về hoàn thiện thể chế, Chính phủ Việt Nam đã hoàn thiện sửa đổi một số luật, 1 luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính để tháo gỡ “điểm nghẽn”, phát huy nguồn lực. Chính phủ cũng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn. Đáng chú ý nhất là Luật Dữ liệu được thông qua ngày 2/12/2024 – một bộ luật không thể thiếu trong thời đại số; Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024, thay thế cho nghị định 72/2013 và 27/2018 và sẽ có hiệu lực từ 25/12/2025. Một trong những thay đổi lớn nhất là việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới với những dịch vụ có lượng truy cập lớn trên 100.000 người mỗi tháng hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Thường các chuyên gia kinh tế chỉ nói tới 3 trụ cột trên, nhưng theo tôi cần chú trọng một trụ cột đặc biệt quan trọng và vô cùng cần thiết nữa là giáo dục, văn hóa, nhân đạo. Chỉ chú trọng tới những con số là sai lầm lớn. Giữ gìn chủ quyền văn hóa, bản sắc văn hóa cũng quan trọng như giữ gìn chủ quyền kinh tế, tài chính, sản xuất. Để có chủ quyền với ý nghĩa thực sự của nó phải phát triển nội lực và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik! Chúc Việt Nam một năm thành công!