Kinh tế Việt Nam 2025 phải chú ý những biến số nào?

© Depositphotos.com / Nguyenkhanhvukhoa@gmail.comToàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn
Toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.01.2025
Đăng ký
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã chỉ ra 4 “biến số” đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các yếu tố chính là tỷ giá, ngoại thương, địa chính trị và nội tại nền kinh tế là những “biến số” có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm mới, đặc biệt là khi ông Donald Trump quay trở lại tiếp quản Nhà Trắng.

Sự trở lại của Trump ảnh hưởng đến tỷ giá và ngoại thương

Tạp chí Tài chính dẫn lời TS. Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu cho rằng, những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025. Trong đó, có 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam.
Đầu tiên là về tỷ giá. Chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh trong thời gian qua lên mức 105,69 ngày 9/12/2024. Điều này dẫn đến tỷ giá VND tăng từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%. Sang năm 2025, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi ông Trum quay lại Nhà Trắng.
Theo các chuyên gia, chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ, có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.
Thâm hụt ngân sách còn có thể buộc Fed (Cục dự trữ Liên bang) mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông.
Tất cả những điều trên có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed phải đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.
Biến số thứ hai là về ngoại thương. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America first), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.12.2024
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024: Vượt những dự báo lạc quan nhất
Trường hợp Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ bị tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump, nếu thành hiện thực, sẽ gây bất lợi cho Việt Nam.
Với Mỹ, chính sách bảo hộ mậu dịch có thể là lợi thế chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực với Trung Quốc. Song, về mặt đối nội, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng ở Mỹ, qua đó làm tăng lạm phát.
Chưa hết, kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp có thể tạo ra sự khan hiếm lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động lên cao. Điều này một lần nữa cũng làm tăng lạm phát và tác động đến chính sách tiền tệ của Fed.
Ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Thế nhưng, việc phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng là rủi ro. Các chính sách bảo hộ được dự báo sẽ tạo ra thách thức lớn dưới thời Trump.
Biện pháp để lấy lại thế quân bình là gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Bên cạnh đó, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp xứ cờ hoa chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.

Địa chính trị và nội tại nền kinh tế Việt Nam

Thứ ba là tình hình địa chính trị. Các điểm nóng xung đột tại Ukraina, Trung Đông và mới đây là bán đảo Triều Tiên có thể gây ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam.
Tất cả những biến động địa chính trị này sẽ tác động lên chính sách đối ngoại của chính phủ Trump 2.0 sau khi ông nhậm chức ngày 20/1 sắp tới. Là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hình chính trị toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến các thị trường tài chính.
Việt Nam với sự phụ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ là quốc gia chịu tác động mạnh của sự biến động đồng USD và các chính sách kinh tế - đối ngoại của Mỹ.
Biến số thứ 4 là nội tại của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đang phải rất nỗ lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng, nếu thiếu các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ.
Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.12.2024
Quy mô kinh tế Việt Nam sắp vượt cả Singapore?
Chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Vừa qua, NVIDIA đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên tại ASEAN.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là châu Âu cũng mang lại cơ hội lớn, dù tình hình xung đột Nga – Ukraina có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đã và đang đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu. Vì thế, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới.
Những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng tốt với điều kiện và môi trường toàn cầu, khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, cũng như ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản có thể xảy ra.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала