Phía Nga nói về việc cần lao động từ Việt Nam
“Người lao động Việt Nam ra nước ngoài hiện nay chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử (lực lượng này chiếm đa số) còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ… Đó là những ngành mà lao động Việt Nam có thể làm việc tại Nga”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Phía Nga sẵn sàng thành lập một trường học tại Việt Nam để dạy tiếng Nga cho công nhân
“Chúng tôi có khả năng, nói chính xác hơn là chúng tôi có nhu cầu về lực lượng lao động, mà Việt Nam thì có nguồn lao động. Vì vậy, việc họ học tiếng Nga là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, cần có sự đầu tư dài hạn. Một trong những chủ đề của các cuộc đàm phán là việc thành lập một trường học, một trường học Nga tại Việt Nam", - Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Maxim Reshetnikov nói tại đối thoại doanh nghiệp cấp cao Nga-Việt hôm 15/1/2025 tại Hà Nội.
“Năm 1981, Liên Xô và Việt Nam đã ký một hiệp định liên chính phủ nhằm thu hút lao động từ Việt Nam sang Liên Xô. Và vào những năm 1980, theo một số nguồn thống kê, từng có tới 100 nghìn công nhân người Việt Nam làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Liên Xô, chủ yếu trên lãnh thổ Liên bang Nga. Lực lượng lao động này đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Liên Xô. Đây là một tiềm năng to lớn cần được khai thác triệt để vì Nga đang rất thiếu lao động, người lao động Việt Nam lại chăm làm, ôn hòa, không có những tư tưởng cực đoan, chỉ chăm chú làm ăn. Nhưng tất cả phải được tổ chức trên cơ sở công khai và hợp pháp”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
Lao động Việt Nam có sẵn sàng sang Nga kiếm tiền không?
“Lao động Việt Nam hiện chủ yếu chỉ thích sang các thị trường sau làm việc: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Họ được trả lương cao. Thu nhập hàng tháng của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc dao động từ 1.600 đến 2.000 USD. Ở Nhật Bản, người Việt kiếm trung bình 180.000 đến 400.000 yên (khoảng từ 1600 đến 2700 USD)/ tháng đối với lao động phổ thông. Ở Đài Loan, lao động Việt làm ở các xí nghiệp sản xuất có thể kiếm trung bình 1000 usd/tháng. Nga không thể cạnh tranh nổi. Ngoài ra, Việt Nam nằm xa khu vực châu Âu của Nga, nơi có nhiều cơ hội tìm được việc làm tốt hơn. Điều này có nghĩa là người lao động di cư tiềm năng cũng sẽ phải trả tiền vé máy bay không hề nhỏ”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.