Tại đây, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam được Mỹ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động
Thủ tướng lưu ý, năm nay kế hoạch tăng trưởng là trên 8%, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao.
Ông nhắc lại, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Đồng thời đã giao các cơ quan xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.
Thủ tướng cho biết: “Tinh thần là rất khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng" để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển”.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ.
Việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng hiện nay về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao; nhận diện những khó khăn, thách thức cần vượt qua, khắc phục và những thời cơ và thuận lợi cần tranh thủ, tận dụng, phát huy; góp ý về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Việt Nam là 1 trong 6 nước được chọn tham gia Đạo luật Chips của Mỹ
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Ireland, Hà Lan và các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, NVIDIA, Apple, Marvell, Samsung...
Theo ông Dũng, Việt Nam cũng được chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips của Mỹ. Đây là chính sách quan trọng của Hoa Kỳ để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp tham gia công đoạn thiết kế vi mạch, hơn 15 doanh nghiệp tham gia công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch và sản xuất vật liệu, thiết bị bán dẫn hoạt động tại Việt Nam.
FPT đã ra mắt sản phẩm chip trong ngành y tế, Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G.
Ngoài ra, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có nhiều tiềm năng để phát triển thành quốc gia hàng đầu khu vực về AI. Nhiều sản phẩm AI được tạo bởi người Việt Nam được đánh giá cao trong cộng đồng công nghệ thế giới.
Các tập đoàn công nghệ lớn đang hình thành các trung tâm nghiên cứu và mở rộng hợp tác về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam như NVIDIA, Microsoft, Meta, Google.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các hoạt động về thu hút doanh nghiệp "đại bàng", ươm tạo "kỳ lân" công nghệ liên tục được các trung tâm đổi mới sáng tạo triển khai.
Đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, an ninh mạng... với sự xuất hiện và mở rộng kinh doanh của Lam Research, NVIDIA, Marvell, Cadence, ARM, Meta, Google, Synopsys, AMD, Qorvo, Qualcomm....
Hiện đã có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có mặt tại Việt Nam. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm, sau Indonesia và Singapore.
Để khoa học công nghệ thực sự mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, Bộ trưởng đề xuất tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý 1/2025.
Ngoài ra, cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như các đã thu hút tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Bộ trưởng đề nghị thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về khoa học, công nghệ.
Thu hút nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…của đất nước và khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.
Nguy cơ tội phạm kinh tế, công nghệ tăng cao
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 như một “khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thể hiện khát vọng phát triên mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.
Tuy nhiên, dưới góc độ an ninh quốc gia, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn có nhiều nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, nguy cơ, thách thức thứ nhất là sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá.
“Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng”, Bộ trưởng nói.
Về hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng chỉ rõ, an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức. Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, rồi tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng.
Trong khi phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Từ thống kê của Hiệp hội An ninh mạng và Hiệp hội Dữ liệu cùng thực trạng thời gian vừa qua, có những thứ chúng ta biết được là mất, có những thứ chúng ta sẽ không phát hiện được. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu.
Tiếp đó là nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chúng ta phải thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam.
“Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định, và chúng ta bảo hộ được quyền đấy”, ông nói.
Tiếp đó làrủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.
Từ đó, Bộ trưởng kiến nghị việc phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với tăng cường kiểm soát, bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế số.
Chú trọng xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia; trong đó công nghiệp an ninh mạng, dữ liệu lớn là trụ cột quan trọng của công nghiệp an ninh, với sự tham gia của một số tập đoàn, tổng công ty trong nước có tiềm lực khoa học, công nghệ nhằm nghiên cứu, phát triển và làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ, sản phẩm công nghệ cao.
Tạo bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ với chiến lược, động lực dài hạn.
Lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát nhằm bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được triển khai theo đúng định hướng phát triển của quốc gia; kịp thời ngăn chặn, loại bỏ các hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển khoa - học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để tiến hành những hoạt động thao túng, trục lợi, xâm phạm lợi ích an ninh kinh tế, an ninh quốc gia Việt Nam.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, duy trì môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh phục vụ phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế thời gian tới.