Chủ đề chính là mối đe dọa thuế quan từ chính quyền Mỹ ngày càng lớn sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký các tuyên bố để tăng thuế đối với các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tác động của động thái này đối với nền kinh tế Việt Nam và các biện pháp nhằm hạn chế tác động này. Chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề này trong bài tổng quan “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”. Ngoài ra, chúng tôi sẽ nói về chính sách đối ngoại, ngành du lịch và nghệ thuật.
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và chính sách quốc phòng “bốn không”
Trong một bài phân tích mới đây, tờ The Diplomat viết về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên bố và biểu hiện của đường lối này trong chính sách quốc tế của đất nước. Tác giả bài viết cho rằng, Hà Nội nên kiên trì thực hiện chính sách “4 không” càng lâu càng tốt và tính toán rất cẩn thận triển vọng của mỗi câu trả lời “có”.
Việt Nam – mô hình phát triển kinh tế trong thời kỳ biến động
Trước khi đề cập đến thuế quan mới của Hoa Kỳ, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết về những thành công kinh tế của Việt Nam. Tờ Globalist viết rằng, trong thập kỷ qua, mức sống dân cư Việt Nam đã đuổi kịp mức sống của các nước láng giềng giàu có hơn. Nếu năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 122 USD, chỉ bằng 1/13 GDP bình quân của Thái Lan, 1/7 của Philippines và 1/6 của Indonesia, thì đến năm 2024, Việt Nam đã vượt qua Philippines và gần bằng Indonesia. East Asia Forum cho rằng, chiến lược kinh tế năm 2024 của Việt Nam đánh dấu sự thay đổi triệt để, từ chi phí thấp đến năng suất cao. Với ban lãnh đạo mới, đất nước đang hướng tới phát triển công nghệ cao, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và cải cách thể chế. Bằng cách thu hút đầu tư công nghệ toàn cầu, mạnh tay chống tham nhũng và theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao tinh tế, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế và phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Năm 2025 sẽ thử thách khả năng của ban lãnh đạo mới kiểm soát tình trạng mất cân bằng kinh tế trong bối cảnh những lợi ích của nước ngoài đang thay đổi trong cuộc chiến thương mại tiếp theo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab gọi Việt Nam là hình mẫu phát triển kinh tế trong thời đại bất ổn địa chính trị.
Lối thoát duy nhất: tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ
Nhiều ấn phẩm đã viết về mối đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ do Trump ban hành. Nhưng, bài phân tích của Asia Times là đầy đủ nhất, ngoài ra, tác giả đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này. Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Canada và Mexico, nhưng với những hành động đúng đắn, Hà Nội có thể tránh được hậu quả tồi tệ nhất từ các biện pháp trừng phạt của Trump. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế trong thập kỷ qua. Nhưng, sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Bước đầu tiên là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan của Hoa Kỳ: mở rộng quan hệ đối tác thương mại với EU, Trung Đông và các nước láng giềng thành viên ASEAN. Đồng thời, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại quan trọng và Hà Nội cũng phải củng cố vị thế của mình tại Washington. Để đạt được mục tiêu này cần phải tăng nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Việc ưu tiên nhập khẩu từ các ngành công nghiệp nhạy cảm về mặt chính trị như nông nghiệp, năng lượng và sản xuất công nghệ cao sẽ khiến Washington khó biện minh cho các biện pháp trừng phạt thương mại. Việt thành lập nhiều liên doanh hơn với các công ty Mỹ cũng sẽ giúp chuyển đổi đất nước này từ một quốc gia bị cáo buộc vi phạm thành một nút thắt quan trọng trong chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng của Mỹ.
Mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu với các tổ chức của Hoa Kỳ sẽ củng cố uy tín của Việt Nam như một đối tác kinh tế lâu dài thay vì là đối thủ cạnh tranh lợi dụng lỗ hổng thuế quan. Chính phủ nên tăng cường hợp tác với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành và hiệp hội thương mại Hoa Kỳ. Chìa khóa là tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại Washington không chỉ thông qua các kênh ngoại giao chính thức mà còn thông qua hoạt động vận động hành lang trực tiếp trong ngành. Nhìn chung, tác giả bài viết gợi ý Việt Nam nên tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực. Investing.com viết về quyết định của Tổng thống Mỹ tăng thuế đối với nhập khẩu thép Việt Nam lên mức cố định 25% và quyết định của chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại. Còn Reuters đưa tin rằng, các bộ trưởng Việt Nam đã thông báo về sự sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu nông sản của Mỹ, có kế hoạch mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tiếp tục thực hiện thỏa thuận mua máy bay Boeing và đang đàm phán để mua máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules. Bloomberg cho biết thêm, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ vào "các dự án năng lượng tái tạo, dự án dầu khí và khai khoáng". Và Profinance lưu ý rằng, VND thấp mức kỷ lục so với USD. Các tiền tệ thị trường mới nổi chịu áp lực từ lời đe dọa áp thuế của Donald Trump. Điều này đẩy giá đồng đô la lên cao, khiến các quốc gia phụ thuộc vào thương mại dễ bị tổn thương.
Than vẫn là xương sống của ngành năng lượng Việt Nam
Tờ China Daily cho biết rằng, Hà Nội và TP HCM thuộc nhóm thành phố khó mua nhà nhất châu Á. Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam đều đứng top đầu châu Á, vượt cả Singapore về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Còn Reuters đưa tin rằng, chính phủ Việt Nam có kế hoạch vay vốn từ chính phủ Trung Quốc để tài trợ một phần cho dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 8,3 tỷ USD. Theo Reuters, Việt Nam đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu và sử dụng than toàn cầu. Năm 2024, lượng than đá mà Việt Nam nhập khẩu đã tăng hơn 30% lên mức cao kỷ lục. Điều này trái ngược với lượng than nhập khẩu toàn cầu chỉ tăng 1%. Bất chấp kế hoạch đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than đá như nguồn năng lượng chính.
Du lịch và điện ảnh
Tạp chí Travel and Tour World đưa tin rằng, ngành du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh định vị thương hiệu điểm đến quốc tế qua du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), với kỳ vọng đón lượng khách lớn từ trong và ngoài nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, củng cố vị thế là điểm đến MICE hàng đầu tại Châu Á.
Tạp chí chuyên ngành giải trí Variety đưa tin: phim điện ảnh “Cám” (The sisters) của Việt Nam tiếp nối hành trình ra mắt khán giả quốc tế sau thành công vang dội tại quê nhà. Bộ phim sẽ được phát hành trên khắp Bắc Mỹ vào ngày 21 tháng 2, tiếp theo là Úc và New Zealand vào ngày 27 tháng 2.