Các nước châu Âu bắt đầu nghiên cứu các phương án từ khoảng một năm trước do lo ngại trước lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải quyết xung đột, theo hãng thông tấn Associated Press (AP).
"Một nhóm các quốc gia châu Âu, ngày càng lo ngại các ưu tiên an ninh của Mỹ nằm ở những lĩnh vực khác, đang bí mật làm việc về kế hoạch gửi quân tới Ukraina để hỗ trợ đảm bảo thực thi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai với Nga... Châu Âu bắt đầu nghiên cứu loại lực lượng mà họ có thể cần từ khoảng một năm trước, nhưng cảm giác khẩn cấp gia tăng do lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bỏ qua họ và thậm chí cả Ukraina để đạt được thỏa thuận với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin", - AP viết.
Theo hãng thông tấn, Anh và Pháp đang đi đầu trong những nỗ lực này. Mặc dù chi tiết vẫn còn ít ỏi, nhưng thành phần và vai trò của lực lượng sẽ được quyết định bởi các điều kiện của thỏa thuận hòa bình.
"Điều rõ ràng là châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp một lực lượng lớn, và chắc chắn họ không thể làm điều đó một cách nhanh chóng", - AP nhận định.
Chiến dịch quân sự ở Donbass
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina vào ngày 24/2. Tổng thống Putin gọi mục tiêu của nó là "bảo vệ những người đã bị chế độ Kiev đàn áp và diệt chủng trong 8 năm qua". Ông lưu ý rằng chiến dịch quân sự đặc biệt là một biện pháp bắt buộc, Nga "không còn cơ hội để làm khác, rủi ro về an ninh đã được tạo ra đến mức không thể phản ứng bằng các biện pháp khác."
Theo ông, Nga đã cố gắng trong 30 năm để thỏa thuận với NATO về các nguyên tắc an ninh ở châu Âu, nhưng để đáp lại, Nga đã phải đối mặt hoặc với sự lừa lọc và dối trá cay độc, hoặc bị gây áp lực và tống tiền, trong khi đó liên minh này bất chấp sự phản đối của Matxcơva lại dần dần mở rộng và tiếp cận với biên giới của Liên bang Nga.