Việc thông qua luật này nhằm đổi mới cơ chế, tăng cường ủy quyền, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông nguồn lực phát triển và chủ động ứng phó với các biến động trong nước và quốc tế.
Bổ sung quyền hạn cho Chính phủ và tăng quyền cho Thủ tướng
Một điểm đáng chú ý trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp khác với quy định hiện hành khi cần huy động nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự án quan trọng. Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai, sau đó trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất.
Đặc biệt, trong các tình huống cấp bách liên quan đến lợi ích quốc gia, thiên tai, dịch bệnh hoặc bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định các biện pháp khẩn cấp ngoài quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời báo cáo Đảng và Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ nguyên tắc kết hợp giữa quyền hạn tập thể và trách nhiệm cá nhân. Theo đó, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ được phân định cụ thể nhằm đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ, nhưng không quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ và Thủ tướng có thể chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương.
Tăng cường phân quyền và giám sát chặt chẽ
Một số ý kiến đề xuất cần có cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng, trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có thể kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát hiệu quả thông qua cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành và địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật đã được quy định rõ ràng. Do đó, luật được thông qua đã bổ sung nguyên tắc phân cấp, phân quyền, trong đó quy định rõ trách nhiệm của chủ thể thực hiện, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực theo quy định.
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của bộ trưởng về lĩnh vực được phân công quản lý. Cùng với các nội dung trên, dự luật được thông qua cũng quy định các vấn đề liên quan tới phân quyền, phân cấp, ủy quyền; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cùng các điều khoản chuyển tiếp...