Bà Vorobieva cho biết: "Rosatom cũng sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam".
Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh các đối tác của Nga trong khối ASEAN đều thể hiện sự quan tâm ở nhiều mức độ khác nhau đối với việc phát triển năng lượng hạt nhân tại quốc gia mình. Bà nhắc lại trong vài năm gần đây, Rosatom nỗ lực không ngừng để hỗ trợ Myanmar phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia, đào tạo nhân lực chuyên ngành, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng, bao gồm cả y học hạt nhân.
Bà Vorobieva chia sẻ thêm: "Nhờ việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ vào đầu tháng 3 năm nay, khuôn khổ pháp lý để bắt đầu triển khai dự án liên quan được thiết lập. Tuy nhiên, rõ ràng đây mới chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi kiên định hướng tới việc thực hiện một quá trình làm việc tỉ mỉ và bài bản cùng với các đối tác từ Myanmar".
Vào đầu tháng 3, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Myanmar tới Nga, hai bên ký kết một thỏa thuận liên chính phủ về các nguyên tắc hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ (SMR) trên đất liền tại Myanmar. Tập đoàn Nhà nước Rosatom cho biết công suất của nhà máy sẽ là 110 MW với khả năng mở rộng lên đến 330 MW.
Trước đó, vào giữa tháng 1, ông Alexey Likhachev, người đứng đầu Rosatom, thông báo Nga đề xuất cung cấp cho Việt Nam một nhà máy điện hạt nhân hiện đại và an toàn với hai lò phản ứng, đồng thời bắt đầu cập nhật các thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Nga và Việt Nam từng có thỏa thuận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân "Ninh Thuận 1" vào năm 2010, nhưng đến năm 2016, chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng dự án. Hiện tại, theo lời ông Likhachev, Hà Nội bày tỏ mong muốn quay trở lại với dự án này.