Khoảng 7h30, các bị cáo được dẫn giải đến tòa. Ông Nguyễn Thanh Bình xuất hiện với vẻ căng thẳng, thường cúi đầu tránh ánh nhìn xung quanh. Ông cùng 8 người khác, trong đó có nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Bảo Trung, bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong khi đó, bị cáo Lê Quang Bình, người được xem là “đại gia cát lậu”, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68, bị truy tố ba tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền. Theo cáo trạng, ông Bình giữ vai trò cầm đầu, tổ chức khai thác trái phép hơn 5 triệu m³ cát, trong đó chỉ 1,3 triệu m³ đúng giấy phép, phần còn lại gần 3,7 triệu m³ được khai thác lậu và bán cho khách hàng ngoài, thu về gần 294 tỉ đồng.
Liên quan vụ án, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí bị cáo buộc tội Nhận hối lộ. Ngoài ra, 33 bị cáo khác bị truy tố về các tội danh liên quan đến khai thác tài nguyên trái phép và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 4/4, do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự, làm chủ tọa. Sáu kiểm sát viên của Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố theo ủy quyền của Viện KSND Tối cao. HĐXX cũng triệu tập gần 200 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Cáo trạng xác định tháng 4/2020, Công ty Trung Hậu 68 của ông Lê Quang Bình nộp hồ sơ xin khảo sát, khai thác cát tại mỏ Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá. UBND tỉnh An Giang đồng ý và cấp phép khảo sát, thăm dò, sau đó cho khai thác 300.000 m³ trong vòng một năm.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, Công ty Trung Hậu nhiều lần đề nghị nâng công suất khai thác, dù không đáp ứng đủ điều kiện. Ông Nguyễn Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo cấp dưới gồm các ông Trần Anh Thư và Nguyễn Việt Trí lập thủ tục điều chỉnh, nâng tổng công suất lên 1,5 triệu m³, gấp đôi thời gian và khối lượng được cấp.
Ngoài việc khai thác vượt giấy phép, Trung Hậu 68 còn bán vị trí mỏ cho các doanh nghiệp khác để họ tự khai thác và tiêu thụ ngoài, hoàn toàn trái phép. Qua đó, công ty thu lợi bất chính số tiền gần 294 tỉ đồng. Đồng thời, ông Bình còn ký văn bản đề nghị Thủ tướng cho doanh nghiệp này hưởng cơ chế đặc thù, miễn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mở đường cho việc điều chỉnh giấy phép dễ dàng hơn.
Đáng chú ý, khi biết đáy sông tại mỏ đã vượt độ sâu giới hạn, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh công suất, ông Bình đã chỉ đạo tiếp tục “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp. Các chỉ đạo này giúp Trung Hậu khai thác, bán trái phép thêm hàng triệu mét khối cát.
Đổi lại, ông Lê Quang Bình đã chi hàng chục tỉ đồng để “bôi trơn” các thủ tục. Cụ thể, bị cáo Trí nhận 3,1 tỉ đồng, ông Nguyễn Thanh Bình nhận 300.000 USD, ông Thư nhận 961 triệu đồng và ông Nguyễn Bảo Trung nhận 550 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền thu lợi, ông Bình còn dùng hơn 37 tỉ đồng nhờ người thân mua bất động sản tại TP.HCM, Long An và Tiền Giang; chi 9,1 tỉ đồng để sắm loạt xe sang như Mercedes S450, G63, Lexus 570...
Cơ quan điều tra đã kê biên nhiều tài sản, phong tỏa tài khoản và thu hồi hơn 118 tỉ đồng cùng 900.000 USD trong quá trình điều tra.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.