Trong số những thứ đó chắc chắn có trà và rượu. Theo các nhân viên Bảo tàng Phương Đông ở Moskva, nơi đang diễn ra triển lãm "Trà, rượu và thơ", cả hai loại đồ uống ấy đều có tính chất gắn kết độc đáo.
Phó Giám đốc Bảo tàng phương Đông Tatyana Metaksa nói:
"Trà đã làm một việc không thể tin được trong nền văn hóa nhân loại là chiếm lĩnh toàn bộ thế giới. Chắc các vị cũng phải đồng ý rằng trà được uống ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những nước nghiêng về uống cà phê, trà cũng không chịu nhường vị trí của mình. Rượu cũng có tính gắn kết như vậy. Triển lãm của chúng tôi kể chuyện về trà và rượu đã xuất phát từ đâu, các loại đồ uống này trở thành nét truyền thống dân tộc như thế nào, ở các nước khác nhau người ta uống trà uống rượu ra sao, những gì đồ dùng nào được sử dụng cho mục đích này. Văn hóa uống rượu xuất hiện từ thời cổ đại, khi người ta chưa biết tới rượu vang. Hồi đó rượu hoàn toàn khác bây giờ và được làm từ ngũ cốc. Khi ấy cũng chưa có trà, trà xuất hiện muộn hơn rượu. Nhưng khi đã xuất hiện, trà chiếm lĩnh toàn bộ thế giới. Nhưng trà và rượu không chỉ là thức uống mà thôi. Đó là những thứ mang tính biểu tượng và để lại dấu ấn lớn trong nghệ thuật và văn hóa…"
Cuộc triển lãm tạo cơ hội để khách thăm được chiêm ngưỡng những vật quý hiếm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Á và Kavkaz, thuộc các thời đại khác nhau, từ thế kỷ thứ 6 trước c.n. cho đến thế kỷ thứ 20. Tất cả các hiện vật này đều từ bộ sưu tập riêng của Bảo tàng Phương Đông và các bộ sưu tập cá nhân. Theo các nhân viên bảo tàng, đây mới chỉ là một phần nhỏ các hiện vật độc đáo từ những bộ sưu tập đồ sộ. Tiến sĩ nghệ thuật Tigran Mkrtychev, người điều phối họat động nói với phóng viên đài phát thanh "Sputnik" về lịch sử của cuộc triển lãm như sau:
"Ý tưởng triển lãm trà rượu đến khi chúng tôi ngồi uống trà và nói chuyện với nhau rằng cần một chương trình gắn kết tất cả các nhân viên bảo tàng trong một dự án độc đáo. Mặc dù từ khi sinh ra ý tưởng cho đến khi thực hiện phải mất vài năm, chúng tôi đã có thể trình bày lịch sử uống rượu và uống trà ở những góc nhìn khác nhau. Đặc biệt là bảo tàng đang giới thiệu những hiện vật đã được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học của chúng tôi. Chẳng hạn như các loại bình cổ chuyên dụng đựng rượu, được sử dụng trong thế giới Hy Lạp cổ đại. Các cổ vật đó đã được đưa từ Hy Lạp đến miền Bắc Caucasus. Gian trưng bày Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông gồm các hiện vật từng được sử dụng, và do đó từng chứng kiến các nghi lễ cổ xưa đã trôi qua và chỉ còn trong quá khứ…"
Ở đâu uống trà và rượu, ở đó có thơ. Ngược lại, nếu người ta tập trung tại một sự kiện thanh cao như bình thơ, chắc chắn trên bàn sẽ có ấm trà, ly rượu hoặc cả hai thứ. Các nhà tổ chức triển lãm giới thiệu khách thăm những bài thơ mô tả cảnh thưởng trà uống rượu ở các nước khác nhau.
Không gian triển lãm được chia thành nhiều phòng truyền thống Trung Quốc, Nhật Bản, Địa Trung Hải và Gruzia. Tất nhiên, đầu tiên là phòng Trung Quốc, bởi vì đất nước này là cái nôi của trà. Có bằng chứng là trong thiên niên kỷ III trước Công nguyên, vua Thần Nông — vị hoàng đế huyền thoại của triều đại nhà Hạ đã pha nước uống hái từ cây trà. Đến thế kỷ thứ 6, uống trà đã trở thành nghi thức hàng ngày trong tu viện Phật giáo.
Nếu các bộ trà Trung Quốc trang trí lộng lẫy với các đường viền vàng và hình vẽ tinh tế, thì trái lại, ấm chén Nhật Bản cố ý thô mộc, chỉ phủ một lớp men giản dị, có thể thuộc về một samurai nghèo hoặc một vị hoàng đế giàu có. "Phong cách thẩm mỹ đơn giản đặc trưng của Nhật Bản xuất phát từ giả định rằng con người với nhau và bản thân sự vật cần nói chuyện một cách đơn giản: không phải bởi sự xa hoa, mà bằng nội dung sâu sắc bên trong. Đây là cơ sở truyền thống trà đạo Nhật Bản", — ông Tigran Mkrtychev cho biết.
Khách thăm có thể lang thang qua hàng giờ liền ở triển lãm "Trà, rượu và thơ". Sau tất cả, mỗi một hiện vật ở triển lãm này là công trình nghệ thuật tinh tế được những người thợ thủ công lành nghề tạo ra ở các nước khác nhau vào những thời đại khác nhau. Và tất cả những điều này cho thấy rằng trong thời đại chúng ta, cũng như cách xa chúng ta hàng thế kỷ, trong các nền văn hóa khác nhau, từ lâu rượu đã được xem như là một thứ gắn kết khiến cho cuộc trò chuyện trở nên sinh động hơn, giảm nhẹ những lo toan thường ngày và biến những bữa ăn khiêm tốn nhất trở thành buổi tiệc. Cũng có thể nói điều tương tự về trà, mặc dù thức uống tuyệt vời này không phải dành cho những cuộc vui sôi động, mà khiến cho cuộc trò chuyện trở nên trôi chảy và đôi khi gợi nên những suy tư triết học.