Bởi Matxcơva không chỉ thuần túy là thủ đô mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học và chính trị của Liên bang Xô-viết rộng lớn. Vì thế Matxcơva đã trở thành mục tiêu chính của Hitler khi tấn công vào Liên Xô.
Trận đánh vì Matxcơva là một trong những cuộc giao tranh có tính quyết định nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Nhiều thứ phụ thuộc vào kết cục của trận đánh này. Tự cho mình là "Người chinh phục" Paris, trùm phát-xit Adolf Hitler còn rất khao khát trở thành "Người chinh phục" Matxcơva. Xin nhắc, đó cũng là thứ mà Napoleon từng muốn… Trận đánh vì Matxcơva bắt đầu ngày 30 tháng Chín 1941 và kéo dài cho đến ngày 20 tháng Tư 1942.
Đây là ý kiến của ông Sergei Kaidashevchuyên viên nghiên cứu cấp cao từ Viện Bảo tàng Matxcơva:
"Trận đánh này không chỉ là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Đích thân Nguyên soái Zhukov đã định tính trận Matxcơva như là một trong những trận giao tranh quan trọng nhất của toàn bộ Thế chiến II. Nhưng Zhukov còn đánh giá rằng đặc trưng của trận đánh bảo vệ Matxcơva là tiền đề cho chiến thắng chung".
Trận đánh vì Matxcơva quyết định cách kết thúc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, — chuyên viên Kirill Dryannov Thư ký Khoa học của Bảo tàng Quốc phòng Matxcơva nhận xét. "Chính trong trận đánh bảo vệ Matxcơva đã quyết định vận mệnh của Liên bang Xô-viết. Thực sự là như vậy, bởi vì người Đức đã trông đợi rằng khi họ chiếm được Matxcơva thì trên thực tế Liên Xô sẽ mất biểu tượng chính của toàn bộ cuộc kháng chiến. Như đã rõ, khi quân đội Hitler tấn công Liên Xô đã có ba hướng chính: đánh Leningrad, Kiev và Matxcơva. Nhìn vào lịch sử thì thấy đó là biểu tượng của nhân dân ta. Không ngẫu nhiên mà tất cả kế hoạch của người Đức gắn với thành bại ở Matxcơva. Thất bại của đội quân Đức ở ngoại vi Matxcơva đã thay đổi cục diện và tiến trình của cuộc chiến. Không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra, giả như quân Đức chiếm được thành phố này".
Thoạt đầu, Hitler vạch kế hoạch tiêu diệt Matxcơva bằng những cuộc không kích. Bom dội có thể thiêu trụi thành phố, bởi thời đó ở Matxcơva có rất nhiều công trình bằng gỗ. Nhưng ở nội đô đã lập ra hàng nghìn đội dân phòng-cứu hỏa, đủ sức dập tắt những đám cháy lớn. Trong kế hoạch của Quốc trưởng phát-xit còn có ý đồ nhấn chìm toàn thành phố dưới làn nước, biến Matxcơva thành chiếc hồ khổng lồ. Quả thực, ngay cả các thuộc hạ của Hitler cũng đã nhận thấy tính chất không tưởng của ý định này. Sau đó, theo kế hoạch mới của đế chế Quốc xã, Matxcơva sẽ biến thành đống đổ nát khổng lồ và loại trừ khả năng đầu hàng hay cứu sống các cư dân. Nhưng, với sự hỗ trợ của chiến lược phòng thủ hợp lý, quân đội Xô-viết đã bảo toàn được thành phố. Ngày 7 tháng 11 trên Quảng trường Đỏ diễn ra cuộc duyệt binh, sự kiện trở thành một biểu trưng hùng hồn về sức mạnh ý chí kiên cường và tinh thần dũng cảm của nhân dân Liên Xô và Hồng quân. Cuộc duyệt binh này có ý nghĩa rất to lớn, bởi khi đó Hitler nhiều lần lớn tiếng tuyên cáo về viễn cảnh chiếm lĩnh Matxcơva, còn bây giờ cả thế giới thấy rõ sự dối trá của Quốc trưởng phát-xit. Kết cục là quân Đức đã bị đánh kiệt quệ ngay ở cửa ngõ ngoại ô của thủ đô Liên Xô, và sau đó Hồng quân chuyển sang thế phản công. Người Matxcơva vững tin vào chiến thắng, — chuyên viên Kirill Dryannov nói thêm.
"Mọi người tin rằng Matxcơva sẽ đứng vững. Hiện hữu sức mạnh của sự đoàn kết gắn bó toàn dân. Tất cả đều nhận thức rõ rằng nếu Matxcơva bị khuất phục, nếu để mất Matxcơva, thì diễn biến cuộc chiến sẽ không bao giờ nghiêng về phía có lợi cho toàn Liên bang Xô-viết. Cần lưu ý rằng, đội ngũ bảo vệ Matxcơva không chỉ gồm người thủ đô, mà là cả nước và toàn thể quân dân Liên Xô. Điều gì diễn ra khi Matxcơva trong giai đoạn phòng thủ? Ngay từ tháng Chín 1941 thành phố đã bắt đầu chuẩn bị cho việc bố phòng, trên các đường phố xuất hiện những chướng ngại vật, những chiến lũy bằng bao cát đề phòng trường hợp xảy ra trận đánh đường phố, lập nhiều điểm chiến đấu, có nhiều dãy "hàng rào lông nhím" nổi tiếng để chống xe tăng. Tất nhiên cũng có những người hoảng sợ và chạy khỏi thành phố. Nhưng vẫn có đông đảo cư dân, có đội ngũ công nhân tiếp tục làm việc trong các công xưởng và nhà máy. Ngày 20 tháng Mười 1941 tại Matxcơva ban hành chế độ trong vòng vây, áp dụng lệnh giới nghiêm, các đội tuần tra trên đường phố. Động thái đó cho phép ổn định tình hình. Tức là hoàn toàn không có cảnh hoảng đại chúng như bây giờ ai đó cố tình mô tả. Có sự hoang mang bộc lộ trong ngày 16 tháng Mười, nhưng chỉ đến cuối ngày, trạng thái đó đã chấm dứt và tinh thần chung trở lại cân bằng".
Hơn thế nữa, trong thời gian diễn ra trận đánh bảo vệ Matxcơva, thành phố này chẳng những không ngừng làm việc mà còn không lãng quên về đời sống văn hóa. Trong các nhà hát của thủ đô vẫn trình diễn những vở kịch mới, từ những xưởng in tranh tối tranh sáng để tiết kiệm điện vẫn kịp thời ấn hành những tờ báo mới.