Từ Gzhatsk đến Gagarin

© SputnikYuri Gagarin
Yuri Gagarin - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thời Xô-viết đã có quyết định đổi tên thành phố để vinh danh các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Thế là Leningrad, Stalingrad, Brezhnev và những "thành phố mang tên nhân vật” khác đã xuất hiện trên bản đồ.

Thông thường, những ai không thuộc giới tinh hoa quyền lực cấp cao nhất thì chẳng dám mơ đến niềm vinh dự to lớn như vậy.
 
Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ dành cho phi hành gia đầu tiên của hành tinh — Yuri Gagarin: thành phố Gzhatsk quê hương của con người anh hùng chinh phục vũ trụ đã được đổi tên thành Gagarin. Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền LB Nga đã “khôi phục sự công bằng lịch sử” bằng cách đưa những "thành phố nhân vật” trở lại dùng địa danh cũ. Nhưng toàn thể cư dân của đô thị  Gagarin đã kiên quyết từ chối cái tên gốc gác Gzhatsk. Vì sao vậy?  Chúng ta hãy thử nhìn lại lịch sử.
 
300 năm trước, địa bàn mà ngày nay thành phố Gagarin tọa lạc chỉ là cảnh tượng buồn thảm. Ở đây,  cách Matxcơva 180 km về phía tây,  trên bờ sông Gzhat có ngôi làng nhỏ với rừng rậm và đầm lầy bao quanh. Duy một lần, xó xỉnh hẻo lánh hoang vắng này đã thu hút sự chú ý của Sa hoàng Pyotr I.

Vị quân vương sáng lập kinh đô mới của đế chế  Nga ở  Saint-Peterburg khi ấy đang phải bất an trước tình trạng thiếu thốn lương thực trong thành phố. Sa hoàng Pyotr  nghĩ đến việc  tạo lập kênh hàng hải, theo đó các tàu thuyền sẽ chở đến kinh đô các loại ngũ cốc và nhu yếu phẩm khác. Sông Gzhat hóa ra là một mắt xích quan trọng trong hệ thống này, vì thế năm 1719 tại chỗ có thôn làng không mấy ai biết đến đã xuất hiện một thị trấn thương mại với nhiều bến bãi và kho tàng – đó chính là Gzhatsk.  Các thương gia đã lập ở đây những  đoàn tàu buôn với hàng hóa dành cho kinh kỳ. Sa hoàng gọi Gzhatsk là "vựa lúa mì của Saint-Peterburg”.

Thành phố phát triển nhanh chóng và trở nên thịnh vượng.  Hàng năm ở đây đều tổ chức hội chợ, tập trung đủ loại hàng hóa đổ về từ khắp đất nước. Nhưng cuộc sống phồn vinh đã bị cắt ngang bởi chiến tranh: năm 1812 đội quân của Hoàng đế Pháp Napoleon đánh chiếm xứ Nga. Những kẻ xâm lược tàn phá và thiêu cháy Gzhatsk. Sau khi đánh đuổi bọn ngoại bang hiếu chiến, thành phố được tái thiết nhưng những tháng năm vàng son của nó vẫn là chuyện quá khứ. Với sự xuất hiện đường sắt, tầm quan trọng của tuyến thương mại đường sông đã hạ thấp nhanh chóng,  Gzhatsk biến thành thủ phủ một tỉnh lẻ bình thường. Năm 1910 ở đây có khoảng 9.000 cư dân sinh sống, hầu như  toàn bộ nhà cửa đều làm bằng gỗ, các đường phố không được chiếu sáng bằng đèn điện mà bằng những ngọn đèn dầu cũ kỹ và thưa thớt.

Thế nhưng Gzhatsk cũng không được tồn tại yên ổn lặng lẽ mà lại bị giáng một đòn khủng khiếp nữa – đó là cuộc Thế chiến II. Trên địa bàn này diễn ra những trận đánh khốc liệt, thành phố hầu như bị quét sạch khỏi mặt đất. Các di tích kiến trúc địa phương  bị hủy hoại gần hết. Bảo tồn một cách kỳ diệu là tòa Nhà thờ Thánh Truyền tin. Sau ngày giải phóng, cả Gzhatsk hóa  thành một công trường xây dựng lớn. Chỉ sau vài năm  thành phố đã được phục sinh từ đống đổ nát.
 
Ngày 12 tháng Tư 1961 diễn ra sự kiện quan trọng vô song trong lịch sử nhân loại – hoàn thành chuyến bay đầu tiên có người lái vào không gian vũ trụ. Phi hành gia số 1 đại diện cho tòan thể loài người là Yuri Gagarin sinh trưởng ở Gzhatsk. 108 phút Yuri Gagarin bay trong quỹ đạo đã chấn động cả thế giới. Khó mô tả hết niềm hân hoan phấn chấn của các cư dân Gzhatsk!  Ở thành phố nhỏ bé, nơi mọi thứ đều diễn ra trong tầm mắt, nhiều người quen biết chàng trai Yuri vui nhộn, dễ mến, và đột nhiên chính chàng trai đồng hương thân thuộc đó trở thành con người lừng danh khắp địa cầu! Mỗi lần phi công vũ trụ Yurri Gagarin trở về thăm quê ở  Gzhatsk đều là ngày hội đối với mọi người dân thành phố này. 

Nhưng năm 1968 đã xảy ra bi kịch: Anh hùng Yuri Gagarin 34 tuổi tử nạn trong chuyến bay định mệnh. Gzhatsk chìm trong đau buồn. Còi nhà máy hú liên hồi, giao thông ngừng trệ trên đường phố. Toàn thể nhân  dân  đồng lòng thỉnh cầu chính phủ Liên Xô: "Đề nghị cho Gzhatsk được mang tên người đồng hương vinh quang của chúng tôi". Yêu cầu của quần chúng từ thành phố nhỏ được ban lãnh đạo đất nước phê chuẩn: từ năm 1968 Gzhatsk nhận tên gọi là thành phố Gagarin.

Người dân nơi đây thành kính tưởng nhớ phi hành gia số 1 của nhân loại. Trên  quảng trường trung tâm có tượng đài Yuri Gagarin. Đã khai trương Nhà Bảo tàng- Lưu niệm về Yuri Gagarin và Bảo tàng Lịch sử chuyến bay vũ trụ đầu tiên. Và bản thân Gzhatsk-Gagarin mãi mãi đi vào lịch sử thế giới, nhờ một người con của vùng quê này đã lập công vĩ đại, lần đầu tiên nhìn  xuống Trái đất từ cửa sổ con tàu vũ trụ. Đó là lý do tại sao cư dân thành phố Gagarin chung thủy với cái tên này.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала